Năm 2009 mẹ tôi có vay cá nhân ông Lượng số tiền 17 triệu đồng, sau 3 năm mẹ tôi không trả được nợ đã đem cầm cố giấy tờ nhà đất để khất nợ. Tháng 03/2012 mẹ tôi mất, chúng tôi mới biết mẹ đã vay số nợ lên tới trên 42 triệu. Tôi có gửi đính kèm hồ sơ vay nợ của mẹ tôi, kính mong luật sư tư vấn giúp anh em tôi. Xem chúng tôi có phải trả khoản nợ của mẹ chúng tôi không?
Gửi bởi: Nguyễn Hạnh
Từ những giấy tờ và thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi trả lời như sau:
Thứ nhất, cần có thêm thông tin xác thực để khẳng định mẹ bạn vay tiền của cá nhân ông Lượng hay vay của Quỹ tín dụng nhân dân vì tại Hợp đồng vay số 194 ghi bên cho vay là ông Nguyễn Đức Lượng, tại Giấy nhận nợ kiêm khế ước vay tiền cùng ngày thì Bên cho vay là Quỹ tín dụng nhân dân Tam Lưu với đại diện là Nguyễn Đức Lượng (kế toán trưởng) và Phạm Hữu Điền (ký Thừa ủy quyền giám đốc). Tuy nhiên, Giấy nhận nợ này không được đóng dấu của Quỹ tín dụng nhân dân Tam Lưu, cũng không xác định Phạm Hữu Điền có chức vụ gì. Do đó, không có đủ căn cứ pháp lý để xác định là có hợp đồng tín dụng theo đó mẹ bạn vay của Quỹ tín dụng nhân dân. Nếu là vay theo Hợp đồng tín dụng nhân dân thì cần có Hợp đồng theo quy định, bao gồm các nội dung cơ bản của giao dịch và có đầy đủ dấu và chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của Quỹ tín dụng. Tuy nhiên, dù vay của ông Lượng hay vay của Quỹ tín dụng thì mẹ bạn cũng có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đối với số tiền đã vay theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về lãi suất, nếu là vay cá nhân ông Lượng, trường hợp này là giao dịch vay tài sản được Bộ luật Dân sự quy định. Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Nếu là vay theo hợp đồng tín dụng với Quỹ tín dụng nhân dân, lãi suất vay theo quy định của Quỹ tín dụng nhân dân tại thời điểm đó. Do đó, cần căn cứ vào mức lãi suất cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân đối với thời hạn tương ứng.
Thứ ba, việc thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất để bảo đảm trả nợ là chưa đúng quy định pháp luật vì theo quy định về thế chấp quyền sử dụng đất thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền và phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Cụ thể, tại Điều 130 Luật Đất đai 2003 quy định: Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Tại Điều 2 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm (là văn bản có hiệu lực pháp lý vào thời điểm ký kết và thực hiện giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất trong vụ việc này) quy định việc thế chấp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Quyền sử dụng đất là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Do đó, việc thế chấp quyền sử dụng đất tại vụ việc này phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Vì thỏa thuận thế chấp quyền sử dụng đất trong vụ việc vay tiền của mẹ bạn chỉ được lồng vào trong hợp đồng vay và không được công chứng, không được đăng ký giao dịch bảo đảm nên việc thế chấp quyền sử dụng đất để đảm bảo trả nợ theo hợp đồng vay số 194 này là không có hiệu lực pháp lý. Khoản nợ của mẹ bạn đối với bên cho vay trở thành khoản vay không có bảo đảm. Do đó, không có căn cứ pháp lý để bên cho vay xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất khi mẹ của bạn không trả được nợ. Thực tế, chỉ với các giấy tờ trong hồ sơ mà bạn cung cấp, bên cho vay không thể có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất để thu hồi nợ theo đúng các quy định pháp luật.
Thứ tư, Mẹ của bạn đã mất vào tháng 3/2012. Theo quy định tại Điều 637 Bộ luật Dân sự 2005 thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Mặt khác, theo Điều 683 Bộ luật Dân sự 2005 về thứ tự ưu tiên thanh toán liên quan đến thừa kế thì Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác là một nghĩa vụ tài sản được thanh toán theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Điều này. Cụ thể:
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
4. Tiền công lao động;
5. Tiền bồi thường thiệt hại;
6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;
7. Tiền phạt;
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;
9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;
10. Các chi phí khác.
Kết hợp các quy định của Điều 637 và 683 Bộ luật Dân sự đã nêu trên, khoản nợ của Mẹ bạn sẽ được trả cho bên cho vay từ di sản thừa kế mà Mẹ bạn để lại, sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ tài sản và các chi phí khác theo thứ tự ưu tiên đã nêu. Lưu ý là người có nghĩa vụ thực hiện việc trả nợ là người hưởng thừa kế, do đó, trong trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 thì người đó không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người đã chết.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị định 08/2000/NĐ-CP Về đăng ký giao dịch bảo đảm
Luật 13/2003/QH11 Đất đai
Trả lời bởi: CTV5