Lập di chúc và sang tên quyền sở hữu đối với nhà cấp cho hộ gia đình

Lập di chúc và sang tên quyền sở hữu đối với nhà cấp cho hộ gia đình

Tôi có một câu hỏi về việc lập di chúc, mong Ban Biên tập trả lời giúp tôi. Căn nhà tôi đang ở trước đây đứng tên bố tôi. Sau khi bố tôi mất, cơ quan nhà đất cấp lại chủ quyền cho nhà tôi với nội dung là cấp cho hộ gia đình, mẹ tôi là chủ hộ. Tôi có 2 anh trai và 2 chị gái. Mẹ tôi đã cho tiền để các anh chị tôi mua nhà riêng, còn tôi thì đang sống cùng với mẹ. Nay mẹ tôi muốn chuyển quyền sở hữu căn nhà tôi đang ở cho tôi nhưng không được vì anh trai tôi không đồng ý ký giấy chuyển nhượng căn nhà cho tôi vì anh tôi vẫn còn trong hộ khẩu gia đình. Vì thế tôi xin hỏi luật sư rằng, mẹ tôi có thể lập di chúc để lại căn nhà đó cho tôi khi bà mất được không? Nếu mẹ tôi để di chúc cho tôi căn nhà đó, sau này tôi phải làm thế nào để chuyển tên tôi đứng tên căn nhà đó? Lúc đó có cần sự đồng ý của anh trai tôi hay không? Tờ di chúc có cần phải làm theo mẫu quy định không? Những điều cần làm khi lập di chúc? Mong sớm nhận được câu trả lời của luật sư? Chân thành cảm ơn.

Gửi bởi: Trần Mỹ Phượng

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Trước hết chúng tôi xin tư vấn cho bạn về quyền lập di chúc định đoạt ngôi nhà trên của mẹ bạn, nội dung, hình thức của di chúc.

Điều 631 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”. Tài sản ở đây là tài sản riêng, phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác. Mẹ bạn là một trong những đồng chủ sở hữu của căn nhà được cấp cho hộ gia đình nên mẹ bạn có quyền sở hữu đối với một phần ngôi nhà đó. Do vậy, mẹ bạn hoàn toàn có quyền để lại di chúc để định đoạt phần quyền sở hữu đó cho bạn. Nhưng chỉ là phần quyền sở hữu nhà của mẹ bạn, chứ không phải là toàn bộ ngôi nhà đó. Mẹ bạn không có quyền lập di chúc để định đoạt toàn bộ ngôi nhà cho bạn.

Nếu mẹ bạn muốn lập di chúc thì có thể lập bằng nhiều hình thức:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có công chứng;

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc có thể do mẹ bạn tự viết hoặc nhờ người đánh máy. Di chúc không cần phải theo mẫu nhưng cần nêu rõ các nội dung:

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên và nơi cư trú của mẹ bạn;

– Họ, tên người được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản (phải nêu rõ di sản là phần quyền sở hữu của mẹ bạn trong khối tài sản chung với hộ gia đình);

Di chúc được coi là hợp pháp khi: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm mẹ bạn mất), di chúc đó sẽ có hiệu lực pháp luật.

Về việc sang tên sở hữu ngôi nhà.

Nếu sau này, bạn muốn đứng tên sở hữu ngôi nhà đó thì bạn cần có sự đồng ý của tất cả những thành viên trong hộ gia đình (những người có tên trong sổ hộ khẩu mang tên mẹ bạn tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà). Theo thông tin bạn đã cung cấp thì anh trai bạn cũng có quyền đối với căn nhà trên, do vậy đương nhiên bạn cần có sự đồng ý của anh trai.

Các thủ tục bạn cần làm để đứng tên sở hữu ngôi nhà (sau khi mẹ bạn mất) như sau:

– Bạn phải làm đồng thời hai thủ tục là: khai nhận di sản thừa kế theo di chúc đối với phần di sản mẹ bạn để lại; và thủ tục chuyển quyền sở hữu (tặng cho hoặc chuyển nhượng) từ những thành viên có quyền sở hữu căn nhà sang cho bạn.

– Bạn nên đến tổ chức công chứng trên địa bàn nơi có căn nhà để tiến hành hai thủ tục nêu trên. Hồ sơ khi yêu cầu công chứng gồm:

+ Đối với việc khai nhận di sản thừa kế theo di chúc: Giấy tờ tùy thân của bạn (người được nhận di sản theo di chúc); giấy chứng tử và di chúc của mẹ bạn; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

+ Đối với việc chuyển quyền sở hữu từ những thành viên trong hộ gia đình sang cho bạn: Giấy tờ tùy nhân của các bên; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Thủ tục công chứng được thực hiện theo Luật công chứng và văn bản hướng dẫn.

– Sau khi tiến hành công chứng như đã nêu, bạn đến văn phòng đăng ký đất và nhà thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường địa trên địa bàn có nhà để thực hiện thủ tục đăng ký sang tên bạn. Bạn phải nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà mang tên mình.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Trả lời bởi: ctv3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com