Lập di chúc định đoạt phần quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình

Lập di chúc định đoạt phần quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình

Tôi có người quen muốn lập di chúc nhưng quyền sử dụng đất là của hộ gia đình. Như vậy người quen tôi có quyền tự định đoạt phần tài sản đó không? Trình tự thủ tục như thế nào ? Di chúc là bí mật, nếu quyền sử dụng đất là của hộ gia đình thì có cần làm tờ thỏa thuận giữa các thành viên không?

Gửi bởi: Phuong Anh

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Một người có quyền lập di chúc nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tài sản để lại bao gồm tài sản riêng của người đó và phần tài sản của người đó trong tài sản chung với người khác. Như vậy, người quen của bạn có quyền lập di chúc định đoạt phần tài sản của mình của mình trong khối tài sản chung của hộ gia đình.

2. Trình tự, thủ tục lập di chúc.

– Có thể lựa chọn một trong các hình thức di chúc quy định tại Điều 650 BLDS:

+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có công chứng;

+ Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

– Dù lập bằng hình thức nào thì di chúc cũng phải nêu rõ các nội dung:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản;

+ Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

+ Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

– Nếu lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì phải tuân theo thủ tục quy định tại Điều 658 BLDS và các quy định pháp luật về thủ tục công chứng, chứng thực. Cụ thể như sau:

+ Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc nếu xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình thì ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;

+ Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

3. Người quen của bạn có thể giữ bí mật về việc lập di chúc và nội dung di chúc và không cần phải làm thỏa thuận giữa các thành viên trong hộ gia đình.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com