Hợp đồng vô hiệu và phán quyết tuyên hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu và phán quyết tuyên hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2001 đã được UBND xã chứng thực, và đã được UBND huyện ký xác nhận cho chuyển nhượng nhưng khi xác minh lại thì bên chuyển nhượng là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chết trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng (chữ ký giả) vụ việc đã được tòa án nhân nhân huyện hòa giải thành và có quyết định đình chỉ vụ án, nhưng tòa án không tuyên hủy hợp đồng. Vậy tôi xin hỏi trường hợp này hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực pháp luật không? Tòa án có cần tuyên hủy hợp đồng không?

Gửi bởi: dương hữu tài

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo bạn trình bày thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được các bên ký kết và đã làm thủ tục chứng thực tại UBND xã và được UBND huyện đồng ý cho làm thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, vì bên chuyển nhượng đã chết trước ngày ký kết hợp đồng và qua xác minh thì chữ ký là chữ ký giả. Do đó, căn cứ vào Điều 122, Điều 127 Bộ luật Dân sự 2005, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này vô hiệu vì một bên của hợp đồng không tồn tại, không có năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Vì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, cùng với sự kiện chữ ký được xác minh là chữ ký giả, thì giao dịch này là giao dịch trái pháp luật. Khi có khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền, theo quy định tại khoản 2, Điều 181 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, vụ án này thuộc trường hợp không được hòa giải. Tòa án sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử theo trình tự thủ tục theo luật định.

Căn cứ vào nội dung vụ án và căn cứ vào quy định về hợp đồng vô hiệu của Bộ luật Dân sự 2005, Tòa án sẽ ra phán quyết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã nêu là vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Khi có bản án của tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu, hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực pháp lý kể từ thời điểm ký kết. Cụ thể: Theo quy định tại khoản 1 Điều 410 Bộ luật Dân sự 2005 thì các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu. Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật Dân sự về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Do đó, Tòa án sẽ không tuyên hủy hợp đồng mà tuyên hợp đồng đó vô hiệu và sẽ ra phán quyết xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bạn hỏi không có hiệu lực pháp lý kể từ thời điểm ký kết.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: CTV5

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com