Ông nội tôi lấy 2 vợ có được 6 người con. Nhưng năm 1959 ông tôi ly dị vợ cả và bà đi lấy chồng. Năm 1976 ông tôi mất đi không để lại di chúc. Bà nội tôi (vợ thứ 2) quản lý toàn bộ mảnh đất của ông bà có diện tích khoảng 1200m2. Đến năm 1987, bà tôi cắt cho bố mẹ tôi khoảng 600m2 và được sự đồng ý của các anh em (không ghi thành văn bản), chính quyền đã xác nhận quyền sở hữu mảnh đất đó cho bố tôi (có tên trong bìa đá của xã và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về đất). Năm 1988, bố tôi xây nhà và ở đó tới nay. Năm 2002, gia đình tôi được cấp bìa đỏ đứng tên bố mẹ tôi. Gia đình tôi sử dụng ổn định, không có tranh chấp trong suốt thời gian đó tới nay. Mảnh đất còn lại bà nội tôi sống cùng chú út. Bà tôi hỏi ý kiến các con về mảnh đất 600m2 còn lại có ai về thì bà tôi cho đất, mọi người không lấy và đồng ý cho toàn bộ chú út (không ghi thành văn bản). Bà tôi chuyển quyền sử dụng đất cho chú út (có bìa đỏ và đứng tên vợ chồng chú) vào năm 2002. Năm 2012, bác trưởng tôi về đòi chia đất. Bố và chú tôi không đồng ý chia đất và không đồng ý đó là tài sản chung vì thực tế từ năm ông tôi mất đến nay không có văn bản của các đồng thừa kế xác nhận đó là tài sản chung và bác tôi gửi đơn xuống tòa án thành phố đòi chia tài sản chung. Vậy tôi xin hỏi bác tôi có quyền đòi chia đất theo thừa kế hoặc chia tài sản chung hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Nguyễn Việt Cường
Trả lời có tính chất tham khảo
Bạn thân mến:
Câu hỏi bạn đưa ra, tôi xin được tư vấn như sau:
Trường hợp 1: Bác cả bạn đòi chia thừa kế.
Do ông nội bạn đã mất từ năm 1976 đến nay bác bạn mới khởi kiện đòi chia thừa kế thì đã hết thời hiệu để khởi kiện nên sẽ không được giải quyết. Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định cụ thể như sau:
“Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Trường hợp 2: Bác bạn đòi chia tài sản chung.
Theo quy định tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết thì di sản đó sẽ trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, cụ thể như sau: Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết…
Căn cứ theo quy định nêu trên, trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế, được áp dụng chia theo tài sản chung chỉ khi tài sản đó chưa chia. Trường hợp bạn hỏi đã hết thời hạn 10 năm và đã chia tài sản, hiện bà bạn không còn sở hữu mảnh đất nào được coi là tài sản chung để bác cả bạn lấy căn cứ khởi kiện đòi chia nữa. Do đó, việc bác bạn khởi kiện để chia tài sản chung là không có căn cứ pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý