Quyền thừa kế của con trai

Quyền thừa kế của con trai

Bố tôi sinh được 7 người con. Năm 1985, người anh trai đầu đi làm kinh tế mới trong Lâm Đồng, đã bán lại nhà ở (nhà được xây trên đất của bố) cho người em trai thứ 2 nhưng không có giấy tờ bán nhà. Năm 2002 bố chết không để lại di chúc. Nay, anh trai cả về đòi chia đất thừa kế thì có được không?

Gửi bởi: Đàm Xuân Tuân

Trả lời có tính chất tham khảo

Việc mua bán giữa hai anh em không có giấy tờ gì nên về mặt pháp lý tài sản vẫn thuộc quyền sử dụng/sở hữu của người đứng tên trên giấy tờ nhà đất.

Theo thông tin bạn cung cấp, ngôi nhà của người anh trai được xây trên đất của bố bạn. Nhưng để xác định quyền sử dụng/sở hữu đối với thửa đất và nhà ở đó của ai thì cần phải căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Nếu đúng như bạn nói là thửa đất thuộc quyền sử dụng đất của bố bạn, mà khi còn sống ông chưa định đoạt cho bất kỳ ai và trước khi chết ông cũng không để lại di chúc thì quyền sử dụng đất đó được coi là di sản thừa kế và được chia cho các thừa kế theo pháp luật.

Ðiều 676 Bộ luật Dân sự quy định:Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, theo quy định trên, người anh trai đương nhiên được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bố để lại. Trừ trường hợp: đã từ chối nhận di sản; bị bố bạn truất quyền hưởng di sản; hoặc thuộc đối tượng không có quyền hưởng di sản theo Điều 643 Bộ luật Dân sự: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com