Hiệu lực của di chúc chung vợ chồng

Hiệu lực của di chúc chung vợ chồng

Tôi là con gái một trong gia đình. Tuy nhiên, trước khi lấy mẹ tôi, bố tôi đã có con riêng ở ngoài. Trong thời gian sinh sống với mẹ tôi, bố tôi đã ép mẹ tôi lập di chúc chia đôi căn nhà của bố mẹ tôi cho tôi và người con riêng kia. Do bị bố ép nên mẹ tôi đã đồng ý lập di chúc chia đôi căn nhà khoảng 30 m2 cho hai anh em. Di chúc lập ba bản, một bản bố mẹ tôi giữ, hai bản còn lại nội ngoại hai bên mỗi người giữ một bản làm chứng. Hiện nay sức khỏe của mẹ tôi yếu, tôi sợ rằng, nếu không may mẹ tôi mất trước, bố sẽ lập lại di chúc cho mảnh đất trên cho người con riêng của ông. Hiện tôi đã lấy chồng nhưng hộ khẩu vẫn còn ở nhà mẹ đẻ. Hỏi việc lo ngại trên của tôi có cơ sở không, nếu có cơ sở thì tôi phải làm gì; nếu tôi còn hộ khẩu ở đó thì bố tôi có phải hỏi ý kiến khi lập lại di chúc không?

Gửi bởi: Vạn Xuân

Trả lời có tính chất tham khảo

Về việc bạn có hộ khẩu chung với bố mẹ đẻ: Sổ hộ khẩu chỉ là căn cứ xác định nơi thường trú của bạn. Việc bạn có tên trong sổ hộ khẩu của bố mẹ bạn không làm ảnh hưởng đến quyền của bố mẹ bạn trong việc lập di chúc.

Về việc bố bạn sẽ lập lại di chúc sau khi mẹ bạn mất:

Hiện nay, bố mẹ bạn đã lập di chúc chung của vợ chồng để định đoạt tài sản chung theo quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự. Theo Ðiều 668 Bộ luật Dân sự về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng, di chúc chung của vợ, chồng do bố mẹ bạn lập có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Do đó, chỉ sau khi cả bố và mẹ bạn đã chết thì di chúc chung do bố mẹ bạn đã lập mới có hiệu lưc.

Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung vợ chồng được quy định tại Điều 664 Bộ luật Dân sự như sau:

Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

– Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.

Theo quy định trên, khi mẹ bạn còn sống thì bố bạn không thể tự mình sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung đó, mà phải có sự đồng ý của mẹ bạn. Trong trường hợp không may mẹ bạn chết trước bố bạn thì bố bạn chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc chung, mà không thể thay thế, hủy bỏ di chúc chung đó; đồng thời, nếu bố bạn sửa đổi, bổ sung di chúc chung thì chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Do đó, nếu mẹ bạn chết trước, bố bạn không thể lập lại di chúc để lại toàn bộ tài sản chung của vợ chồng cho người con riêng được.

Lưu ý:

Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn đã ép mẹ bạn lập di chúc; và do bị bố ép nên mẹ bạn đã đồng ý lập di chúc chia đôi căn nhà cho hai anh em bạn. Việc ép buộc này làm ảnh hưởng đến tính hợp pháp của di chúc do bố mẹ bạn lập.Ðiều 652 Bộ luật Dân sự quy định di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

– Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Vậy, nếu mẹ bạn không tự nguyện lập di chúc mà do bị ép buộc thì di chúc mà mẹ bạn đã lập không hợp pháp.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com