Hành vi lừa dối khách hàng

Hành vi lừa dối khách hàng

Ngày 13/11/2012 tôi đi mua một chiếc tủ lạnh với ý định mua tủ lạnh hiệu Sanyo, 2 ngăn có đóng tuyết. Khi đến cửa hàng thì chủ cửa hàng tư vấn cho tôi mua chiếc tủ lạnh hiệu Darling vì có nhiều tính năng tốt hơn tủ lạnh Sanyo tôi định mua (không đóng tuyết, không có mùi hôi khi sử dụng…) với giá 3.100.000 đồng. Chủ cửa hàng cam kết đây là hàng trưng bày nên chỉ bạc màu nhãn sản phẩm, nhưng vẫn là tủ lạnh mới. Tôi đồng ý và thanh toán đủ, nhưng khi về nhà kiểm tra lại, tôi thấy tên sản phẩm, các thông số tủ đều bị dán nhãn chồng lên tên, thông số thực của tủ, tủ đã rất cũ. Tôi có liên hệ lại với cửa hàng thì họ trả lời rằng họ không còn trách nhiệm gì nữa và hướng dẫn tôi liên hệ với bên bảo hành.

Xin hỏi:

– Hành vi của chủ cửa hàng có phải hành vi lừa dối khách hàng hay không?

– Nếu đây là hành vi lừa dối thì tôi cần liên hệ với cơ quan nào để được giải quyết quyền lợi cho mình?

Gửi bởi: Trịnh Thị Thùy Linh

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn!

Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”, có thể khẳng định rằng hành vi của chủ cửa hàng đã nêu là hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự.

Hành vi của chủ cửa hàng trong trường hợp này là hành vi lừa dối khách hàng, bởi lẽ:

Thứ nhất, khi thực hiện việc giao dịch bán hàng với bạn, hai bên đã thỏa thuận và thống nhất chọn chiếc tủ lạnh hiệu Darling với cam kết của chủ cửa hàng này là chiếc tủ này còn mới.

Thứ hai, chủ cửa hàng là người có nghĩa vụ phải biết tình trạng của chiếc tủ lạnh đó, từ nguồn gốc, xuất xứ đến tình trạng sản phẩm…, nên khi biết đây là chiếc tủ đã cũ, không chính hãng Darling mà vẫn bán cho khách hàng, thì đây là hành vi cố ý của chủ cửa hàng nhằm làm cho khách hàng hiểu sai lệch về sản phẩm và tính chất của sản phẩm đó.

Như vậy, hành vi của chủ cửa hàng là hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự, không đảm bảo về chất lượng cũng như chủng loại sản phẩm mà hai bên đã thỏa thuận. Do đó, theo quy định tại Điều 437 Bộ luật Dân sự 2005 về trách nhiệm giao vật không đúng chủng loại và Điều 444 Bộ luật Dân sự 2005 về bảo đảm chất lượng vật mua bán thì “Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại, nếu không có thoả thuận khác.” và bên mua có một trong các quyền sau:

1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thoả thuận;

2. Yêu cầu giao đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;

3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Căn cứ vào trường hợp của bạn, bạn có thể yêu cầu chủ cửa hàng giao đúng chủng loại sản phẩm tủ lạnh cho mình như thỏa thuận, đồng thời có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại xảy ra (nếu có).

Trong trường hợp chủ cửa hàng không chấp nhận, bạn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người đó cư trú (theo khoản 3 Điều 25; khoản 1 Điều 33; khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011); buộc thực hiện đúng hợp đồng, giao sản phẩm đúng chất lượng, chủng loại như đã thỏa thuận hoặc nếu như không muốn tiếp tục thực hiện việc mua bán với cửa hàng này, bạn có thể hủy bỏ hợp đồng, thông báo cho người chủ cửa hàng đó và yêu cầu Tòa án nhân dân buộc chủ cửa hàng bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com