Tôi nhận chuyển nhượng một phần thửa đất nhưng vì ở xa nên không trực tiếp đến được mà nhờ người em liên hệ hộ. Trong quá trình thỏa thuận với bên bán, em tôi có làm giấy tờ viết tay (đứng tên em tôi) với nội dung: “Chúng tôi đặt cọc trước một số tiền (40 triệu), để mua mảnh đất với diện tích 135m2, bên bán phải làm đầy đủ giấy tờ, khi nào xong, chúng tôi phải hoàn thành số tiền còn lại.” Nhưng sau đó, chủ đất thông tin lại, với diện tích 135m2 thì không tách và làm bìa được, và gợi ý cho chúng tôi mượn 70m2 nữa để tách bìa. Thấy việc khá phức tạp, nên chúng tôi đề nghị chấm dứt việc mua bán, bên bán cũng hứa sẽ trả tiền lại khi nào chuẩn bị đủ. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận lại được tiền! Vậy, chúng tôi cần phải làm gì và có đủ căn cứ để đòi lại số tiền không? Chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Trần Hải Tiến
Trả lời có tính chất tham khảo
Giấy tờ viết tay mà em bạn viết trong quá trình thỏa thuận với bên chủ sử dụng đất về bản chất là hợp đồng đặt cọc, theo đó em bạn (thay mặt cho bạn) chuyển cho bên chủ sử dụng đất khoản tiền gọi là tài sản đặt cọc trong một thời hạn nhất định để đảm bảo giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nếu có tranh chấp xảy ra thì giấy viết tay này được coi là giấy tờ chứng minh về việc giao kết giữa các bên. Theo quy định tại Điều 358 Bộ luật Dân sự: Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp của bạn, hợp đồng không thực hiện được do không đủ điều kiện tách thửa và đã có sự đồng ý của hai bên về việc: bên chủ sử dụng đất sẽ trả lại số tiền đã đặt cọc cho bạn. Đây là thỏa thuận dân sự phù hợp với quy định của pháp luật nên các bên cùng phải thực hiện. Pháp luật luôn tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dân sự, miễn là thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Đây cũng là nguyên tắc đầu tiên được quy định trong Bộ luật Dân sự.
Nếu bên chủ sử dụng đất không thực hiện đúng thỏa thuận giữa các bên thì trước hết, bạn có quyền yêu cầu họ thực hiện. Nếu họ vẫn cố tình không thực hiện thì các bạn có thể gửi đơn đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự, nội dung đơn khởi kiện bạn cần thể hiện đầy đủ các nội dung dưới đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
– Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
– Tên, địa chỉ của người bị kiện;
– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
– Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;
– Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án;
– Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Kèm theo đơn khởi kiện, bạn có thể gửi giấy viết tay về việc đã đặt cọc trước đây để làm tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình và để tòa án có cơ sở để giải quyết vụ việc.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: CTV3