Thuế kinh doanh của cửa hàng, sạp hàng nhỏ

Câu hỏi của khách hàng: Thuế kinh doanh của cửa hàng, sạp hàng nhỏ

Mẹ tôi vừa về hưu, bà có vài người quen giới thiệu nên muốn mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ và thuê vị trí, hoặc là trong chợ hoặc nhà riêng để bán hàng, cửa hàng chỉ là tạp hóa vài thứ lặt vặt vậy thì thuế tính thế nào, mức thuế hay do họ tự tính hay mẹ tôi phải kê khai gì với thuế, làm thủ tục gì với thuế không. Tôi muốn thực hiện tròn vẹn nghĩa vụ với nhà nước để tránh những rủi ro phức tạp cho mẹ nhưng lại không hiểu thủ tục, xin được luật sư tư vấn.


Luật sư Tư vấn Pháp luật thuế – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 04/03/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ thuế khi kinh doanh nhỏ lẻ

  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
  • Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài
  • Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC ngày 14/3/2017 hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân, luật thuế sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân và nghị định 65/2013/NĐ-CP.
  • Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BTC ngày 9/5/2018 hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng và nghị định 209/2013/NĐ-CP

3./ Luật sư trả lời Thuế kinh doanh của cửa hàng, sạp hàng nhỏ

Theo thông tin bạn cung cấp thì mô hình kinh doanh mà mẹ của bạn tham gia có thể là hộ kinh doanh  hoặc thậm chí không cần đăng ký hộ kinh doanh. Để nhận định nghĩa vụ thuế của mẹ bạn, bạn cần xem xét mô hình kinh doanh mà mẹ bạn sử dụng để kinh doanh.

Căn cứ Khoản 2 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định:

Điều 66. Hộ kinh doanh

2.Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Mà trong trường hợp của bạn, bạn có đưa ra việc mẹ bạn chủ mở một cửa hàng kinh doanh nhỏ để “bán tạp hóa vài thứ lặt vặt”. Nên, mẹ bạn cũng có thể kinh doanh mà không cần thực hiện việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh/doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù ở trong trường hợp nào thì khi tiến hành hoạt động kinh doanh mẹ bạn cũng có nghĩa vụ nộp các loại nghĩa vị tài chính sau:

-Lệ phí môn bài. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 302/2016/TT-BTC thì cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống hoặc cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm kinh doanh cố định sẽ được miễn lệ phí môn bài. Trường hợp cá nhân phải đóng lệ phí môn bài thì mức thu được xác định theo quy định tại Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC:

Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài

1.Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a)Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;

b)Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;

c)Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.

2.Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

a)Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm;

b)Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm;

c)Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.

Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình tại khoản này là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nêu tại khoản này có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra kinh doanh trong năm thì mức doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

3.Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

…”

-Thuế thu nhập cá nhân. Đối với thu nhập từ kinh doanh, căn cứ Điều 17 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC, thuế thu nhập cá nhân được xác định bằng “doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân (×) với thuế suất”. Trong đó, thuế suất được quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, với từng khung thu nhập nhất định.

-Thuế giá trị gia tăng. Căn cứ Điều 6 Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-BTC quy định thì căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất. Trong đó, giá tính thuế đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT, và thuế suất áp dụng với các mặt hàng thông thường là 10%.

Nếu mẹ bạn kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, mẹ bạn cần phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, tùy vào cụ thể mặt hàng mà mẹ bạn kinh doanh, mẹ của bạn còn có thể sẽ phải đóng các loại thuế, phí đặc thù khác như thuế tiêu thụ đặc biệt,…

Trong trường hợp việc kinh doanh của mẹ bạn, thu nhập từ hoạt động kinh doanh không đến mức phải thực sự nộp thuế/thực hiện nghĩa vụ tài chính, mẹ bạn vẫn sẽ phải tiến hành kê khai theo quy định của pháp luật, chỉ là số tiền thuế thực tế phải nộp của mẹ bạn là không đồng (do được miễn, giảm hết,…).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi mẹ bạn không thành lập doanh nghiệp, mô hình kinh doanh nhỏ, lẻ, hàng hóa kinh doanh không thuộc diện đặc biệt  thì phía chủ thể có thẩm quyền sẽ áp dụng phương thức tính thuế khoán và mỗi đợt nộp thuế, mẹ của bạn sẽ chỉ cần nộp số thuế đã quy định sẵn đó mà không cần phải tính riêng từng loại thuế để nộp.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, khi mẹ bạn tiến hành kinh doanh, phụ thuộc vào loại hình kinh doanh mà mẹ bạn thực hiện, số vốn đầu tư, loại hàng hóa kinh doanh cụ thể,… mà mẹ của bạn sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế khác nhau. Trong trường hợp mẹ bạn kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể/ không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, mẹ bạn thường sẽ phải chịu lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Mẹ bạn có thể lựa chọn nộp thuế theo phương thức khoán hay không. Và bất kể theo phương thức nào thì mẹ bạn đều phải thực hiện việc kê khai thuế (dù có thực sự phát sinh trách nhiệm thuế hay không) với chủ thể có thẩm quyền với mức và phương thức tính thuế do pháp luật quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định cụ thể hơn hàng hóa kinh doanh của mẹ bạn, quy mô kinh doanh, doanh thu,… để xác định được nghĩa vụ tài chính của mẹ bạn. Thông thường, trong trường hợp bạn đưa ra, mẹ của bạn sẽ phải nộp lệ phí môn bài, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com