Câu hỏi của khách hàng: Các nhận định Đúng – sai về hoạt động của tổ chức tín dụng
Em có 4 câu Nhận định Đúng – Sai: mấy anh chị hỗ trợ em với ạ. Cảm ơn nhiều ạ.
1.Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp cho phần chênh lệch thu chi hàng năm của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
2.Con của Giám đốc ngân hàng thương mại thì có thể vay tại chính ngân hàng Thương mại đó.
3.Tổ chức tín dụng không được góp vốn vào 1 doanh nghiệp vượt quá 11% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó.
4.Tài sản đang cho thuê thì không được dùng để bảo đảm nghĩa vụ.
Luật sư Tư vấn Pháp luật về tổ chức tín dụng – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 23/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Hoạt động của tổ chức tín dụng
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010;
- Nghị định số 07/2006/NĐ-CP Về chế độ tài chính của ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013);
- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Thông tư số 39/2016/TT-NHNN Quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Văn bản hợp nhất số 8019/VBHN-BTP nghị định về giao dịch bảo đảm
3./ Luật sư trả lời Các nhận định Đúng – sai về hoạt động của tổ chức tín dụng
Với các nhận định mà bạn đưa ra, tôi xin trả lời như sau:
1.Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp cho phần chênh lệch thu chi hàng năm của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Căn cứ Điều 45 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định thì Ngân hàng Nhà nước được trích từ kết quả tài chính hằng năm để lập các quỹ sau đây:
-Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia;
-Quỹ dự phòng tài chính;
-Quỹ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Kết quả tài chính của Ngân hàng Nhà nước sau khi trích lập các quỹ trên được nộp vào ngân sách nhà nước.
Và căn cứ Điều 3 Nghị định số 07/2006/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước được sử dụng các nguồn thu để trang trải chi phí hoạt động của mình. Chênh lệch thu, chi sau khi trích lập quỹ theo quy định, số còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước.
Do đó, phần chênh lệch thu chi hàng năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau khi được trích lập các quỹ nêu trên sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 2 và Khoản 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì phần chênh lệch thu chi hàng năm của Ngân hàng Nhà nước không phải là đối tượng chịu thuế thu nhập chịu thuế. Do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chênh lệch này. Vậy, nhận định trên là sai.
2.Con của Giám đốc ngân hàng thương mại thì có thể vay tại chính ngân hàng Thương mại đó.
Căn cứ Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về điều kiện vay vốn thì tổ chức tín dụng sẽ xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
-Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
-Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
-Có phương án sử dụng vốn khả thi.
-Có khả năng tài chính để trả nợ.
-Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay theo quy định thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Theo đó, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên sẽ được ngân hàng thương mại (là một tổ chức tín dụng) xem xét, quyết định cho vay.
Tuy nhiên, trong trường hợp người vay tại Ngân hàng thương mại lại là con của Giám đốc Ngân hàng, theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng quy định:
“Điều 126.Những trường hợp không được cấp tín dụng
1.Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với những tổ chức, cá nhân sau đây:
… b)Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương. …”
Người này sẽ không được cấp tín dụng (tức là bao gồm cả cho vay tín dụng).
Do đó, con trai của giám đốc ngân hàng thương mại sẽ không được cấp tín dụng tại chính ngân hàng này khi có nhu cầu. Vậy, nhận định trên là sai.
3.Tổ chức tín dụng không được góp vốn vào 1 doanh nghiệp vượt quá 11% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó.
Góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng là việc tổ chức tín dụng góp vốn cấu thành vốn điều lệ, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác, bao gồm cả việc cấp vốn, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; góp vốn vào quỹ đầu tư và ủy thác vốn cho các tổ chức khác góp vốn, mua cổ phần theo các hình thức nêu trên.
Theo Khoản 4 Điều 103 và Khoản 2 Điều 110 Luật các tổ chức tín dụng, Ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng và lĩnh vực khác; các tổ chức tín dụng được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần thì:
-Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực: Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng; và các lĩnh vực khác không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
-Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.
-Mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính vào một doanh nghiệp là công ty tài chính được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, quỹ đầu tư không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.
-Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một công ty tài chính là Công ty tài chính vào các doanh nghiệp, kể cả các công ty con, công ty liên kết của công ty tài chính đó không được vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.
-Và tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó.
Do vậy, mức góp vốn của tổ chức tín dụng không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp khi doanh nghiệp nhận vốn góp hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng; và các lĩnh vực/ là công ty tài chính được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, quỹ đầu tư. Không phải mọi doanh nghiệp, và cũng không phải là phần trăm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng góp vốn. Như vậy, nhận định trên là sai.
4.Tài sản đang cho thuê thì không được dùng để bảo đảm nghĩa vụ.
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Theo đó, quyền sở hữu tài sản thuê thuộc về bên cho thuê.
Căn cứ Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản bảo đảm thì:
-Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
-Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
-Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
-Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm
Theo quy định này thì tài sản mặc dù đang cho thuê nhưng tài sản vẫn thuộc sở hữu của bên cho thuê, nên bên cho thuê vẫn có thể dùng tài sản này để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với chủ thể khác.
Ngoài ra, căn cứ Điều 24 Văn bản hợp nhất số 8019/VBHN-BTP quy định thì trong trường hợp thế chấp tài sản đang cho thuê thì bên thế chấp phải thông báo về việc cho thuê tài sản cho bên nhận thế chấp; nếu tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ thì bên thuê được tiếp tục thuê cho đến khi hết thời hạn thuê theo hợp đồng nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Như vậy, bên cho thuê vẫn có quyền dùng tài sản đang cho thuê để bảo đảm nghĩa vụ và chỉ cần thông báo với bên nhận bảo đảm về việc tài sản này đang được cho thuê. Vậy, khẳng định trên là sai.
Tóm lại, với câu hỏi của bạn, thì cả 4 khẳng định số 1, 2, 3 và 4 là khẳng định sai
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.