Người bị thiệt hại có lỗi thì người gây tai nạn bị phạt mức án thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Người bị thiệt hại có lỗi thì người gây tai nạn bị phạt mức án thế nào

Chào tất cả mọi người.
Em muốn mọi người tư vấn giúp em về vụ việc sau đây thì sẽ có những hình phạt nào ạ.
Vài ngày trước. Em và Anh A có điều khiển xe máy chạy trên đoạn quốc lộ. Thì bất ngờ có ông lão khoảng tầm 70 tuổi băng qua dãy phân cách mà không có làn đường dành cho người đi bộ. Trong khoảng thời gian đó thì khi điều khiển xe. Thì chúng em chạy rất chậm. Vì giờ đó là giờ đi làm. Xe rất đông. Tụi em bóp kèn nhưng ông nghe. Bọn em thắng gấp. Va vào ông. Tụi em chở ông vào bệnh viện và báo người nhà bệnh nhân biết. Nhưng ông không qua khỏi. Thì liệu tụi em bị phạt mức án như thế nào ạ. Gia đình tụi em cũng sắp xếp và lo tiếp hậu sự cho gia đình bệnh nhân. Gia đình bên bệnh nhân rất thông cảm và biết tụi em không cố ý. Nhưng vẫn không biết như vậy. Tụi em có cần thương lượng với gia đình bệnh nhân không ạ.


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 16/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi không có lỗi

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Người bị thiệt hại có lỗi thì người gây tai nạn bị phạt mức án thế nào

Xe máy được coi là một trong những phương tiện giao thông vận tải cơ giới. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác khi đang điều khiển phương tiện, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện được đặt ra tùy thuộc vào lỗi của các bên cũng như thiệt hại xảy trên thực tế.

-Trách nhiệm dân sự:

Căn cứ Khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự quy định thì phương tiện giao thông được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Nói cách khác, trách nhiệm dân sự của người điều khiển phương tiện gây ra được xem xét theo các quy định điều chỉnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Trong phần trình bày dưới đây, tôi xây dựng trên việc kết quả điều tra của phía cơ quan, chủ thể có thẩm quyền không có sự mâu thuẫn với những thông tin bạn đã nêu trên đây. Tức là những chi tiết bạn trình bày trên được coi là sự thật khách quan của vụ việc. Và người điều khiển phương tiện gây thiệt hại đồng thời là chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện đó.

Căn cứ Khoản 2 và Khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự:

Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

2.Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3.Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a)Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b)Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. …

Theo đó, chủ thể sử dụng (điều khiển) phương tiện gây thiệt hại (bạn và A) sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại (gia đình ông lão) trừ trường hợp thiệt hại xảy ra không do lỗi (cố ý/vô ý) của chủ thể điều khiển phương tiện và thiệt hại xảy ra là do:

+Lỗi cố ý của ông lão;

+Hoặc trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Mà theo thông tin bạn trình bày thì việc thiệt hại xảy ra không phải do lỗi cố ý của ông lão. Nên, bạn và A sẽ chỉ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Trong đó:

+Trường hợp bất khả kháng được hiểu là việc gây thiệt hại là do có sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (đoạn 2 Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự).

+Còn trở ngại khách quan được hiểu là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình (đoạn 3 Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự).

Trong trường hợp bạn và A là chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra, bạn và A có thể thỏa thuận với gia đình ông lão về mức, phương thức,… bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp không thỏa thuận được một trong hai bên hoặc cả hai bên có thể khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

-Trách nhiệm hình sự:

Trách nhiệm này được đặt ra khi việc điều khiển phương tiện của bạn có yếu tố vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Tức là việc điều khiển xe của bạn có sự vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như điều khiển xe mà không có bằng lái,…

Căn cứ Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1.Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a)Làm chết người; …”

Theo đó, nếu việc điều khiển xe máy của bạn trong trường hợp này có xuất hiện sự vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, gây chết người thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Mà theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự thì “yêu cầu khởi tố vụ án” của bên bị hại trong trường hợp vụ án được khởi tố về tội phạm quy định tại Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự không phải là một trong những điều kiện để chủ thể có thẩm quyền tiến hành khởi tố vụ án, tiến hành xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự.

Nói cách khác, việc bạn (cùng A) thỏa thuận được với gia đình ông lão sẽ không ảnh hưởng tới quyết định khởi tố vụ án hình sự của các chủ thể có thẩm quyền trong trường hợp này. Tuy nhiên, việc bạn (và A) thỏa thuận, thực hiện việc bồi thường theo thỏa thuận của các bên sẽ được coi là tình tiết giúp bạn (và A) giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc bạn phải chịu trách nhiệm như thế nào, mức độ ra sao còn tùy thuộc vào các yếu tố xung quanh việc gây thiệt hại (như lỗi của các bên, hậu quả xảy ra,…) và khắc phục hậu quả của các bên (như thỏa thuận giữa hai bên,…). Trong trường hợp thông thường, nếu bạn không có vi phạm trong việc điều khiển phương tiện thì bạn sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự (chủ yếu là bồi thường thiệt hại). Việc bồi thường trong trường hợp được được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com