Làm thế nào để làm giấy khai sinh không cần gia đình nội ngoại làm chứng?

Câu hỏi của khách hàng: Làm thế nào để làm giấy khai sinh không cần gia đình nội ngoại làm chứng?

Vợ chồng em cưới nhau đã 5 năm. Do chồng em trốn nghĩa vụ quân sự nên không dám ra xã làm giấy đăng ký kết hôn. Con em sinh năm 2016. Nhưng đến giờ vẫn chưa có giấy khai sinh. Đến tháng 10/2018 chồng em đồng ý làm giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cho con. Khi làm thủ tục xong bao gồm: giấy đăng ký kết hôn , tờ khai giấy khai sinh, giấy chứng nhận con chung. Thì xã yêu cầu phảo có 1 người bên nội, 1 người bên ngoại đứng ra làm chứng thì mới làm giấy được. Em ở Bình Phước , Chồng ở Hậu Giang. 2 bên cha mẹ đều không thể đi xa. Nên đến giờ em vẫn chưa làm được giấy khai sinh cho con.
Xin cho em được hỏi còn biện pháp nào có thể làm giấy khai sinh mà không cần 2 bên nội ngoại ra làm chứng không ạ. Hoặc đã có giấy đăng ký kết hôn thì em có thể làm giấy khai sinh cho con theo họ em được không.


Luật sư Tư vấn Luật hộ tịch – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 14/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Người làm chứng khi nhận cha-con

  • Luật hộ tịch năm 2014
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP

3./ Luật sư trả lời Làm thế nào để làm giấy khai sinh không cần gia đình nội ngoại làm chứng?

Khai sinh được coi là một trong những hoạt động đăng ký hộ tịch. Theo quy định của pháp luật thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp của bạn, việc sau hai năm mới thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ là hành vi không phù hợp với quy định. Về thủ tục đăng ký khai sinh, bạn có thể xem xét quy định sau:

Căn cứ Điều 16 Luật hộ tịch thì để đăng ký khai sinh cho trẻ, bạn cần nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Cơ quan đăng ký hộ tịch ở đây là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 Luật hộ tịch.

Mà theo thông tin bạn cung cấp thì bạn không đưa ra giấy chứng sinh nên bạn cần nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Trường hợp không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Tuy nhiên, do bạn sinh bé trước khi hai người đăng ký kết hôn, nên xét về mặt pháp lý, bé không được coi là con chung của hai người trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy, để được ghi nhận chồng của bạn là cha của bé, bạn/chồng cần thực hiện việc nhận cha cho con theo quy định của pháp luật. Việc nhận cha cho con được quy định như sau:

-Người yêu cầu đăng ký nhận cha con nộp tờ khai theo mẫu và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch, tức là UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, con.

-Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

-Thời hạn làm việc: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con trong trường hợp này được quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP, có thể là:

-Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

-Hoặc thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Người thân thích, theo định nghĩa tại Khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình được xác định là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời, không bắt buộc phải là cha, mẹ của bạn cùng chồng.

Nói cách khác, bạn có thể nhờ những người thân thích khác, không phải ông/bà nội/ngoại của bé đến làm thủ tục trên cùng với hai bạn mà không nhất định phải là cha/mẹ của bạn và chồng làm chứng.

Ngoài ra, trong trường hợp của bạn, việc giải quyết được giải quyết kết hợp giữa việc đăng ký khai sinh và nhận cha, con theo quy định tại Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, để đăng ký khai sinh cho bé, bạn có thể nhờ những người thân thích khác của hai người đứng ra cam đoan việc bé là con chung của hai bạn mà không nhất định là bố/mẹ của bạn và chồng đến làm cam đoan để thực hiện thủ tục.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com