Làm thế nào để đổi họ sang họ cũ của ông nội?

Câu hỏi của khách hàng: Làm thế nào để đổi họ sang họ cũ của ông nội?

Cho mình hỏi ngày xưa từ thời ông nội minh đi ở cho địa chủ và được nhận làm con nuôi vì vậy ông mình đổi từ họ Vũ sang họ Lê và từ đời bố mình đên bây giờ đều mang họ Lê. Bây giờ mình muốn đổi họ cho con mình sang họ Vũ thì làm thế nào?


Luật sư Tư vấn Luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 17/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền thay đổi họ, tên của cá nhân

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Luật Hộ tịch năm 2014

3./ Luật sư trả lời Làm thế nào để đổi họ sang họ cũ của ông nội?

Quyền thay đổi họ tên là một trong những quyền nhân thân của cá nhân. Hiện nay, có rất nhiều trường hợp cá nhân muốn đổi họ, tên; cha, mẹ muốn đổi họ, tên cho con do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phổ biến nhất là tình trạng thay đổi họ, tên khi chuyển đổi hoặc xác định lại giới tính hay vợ chồng ly hôn muốn thay đổi họ tên cho con cái của họ. Vậy, những trường hợp nào được phép thay đổi họ, tên?

Căn cứ Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thay đổi họ như sau:

“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

…”

Theo thông tin bạn cung cấp, ông nội bạn trước đây được nhận nuôi và chuyển từ họ Vũ sang họ Lê, và đến giờ, cả bố bạn và bạn đều theo họ Lê. Khoản 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: ““2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.”

Theo đó, nếu cha mẹ đẻ không có thỏa thuận về việc theo họ me, thì họ của con bạn được xác định là theo họ của bạn (cha đẻ của bé), tức là bé sẽ mang họ Lê. Trường hợp bạn muốn đổi họ cho bé từ họ Lê sang họ cũ của ông bạn (họ Vũ) thì phải thuộc một trong số các trường hợp được thay đổi họ theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự nêu trên.

Đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn, thì con bạn phải mang họ Lê và chỉ được thay đổi họ nếu cha đẻ, mẹ đẻ của bé đổi họ. Việc này chỉ có thể thực hiện khi cả ông nội bạn, bố bạn và bạn đều phải thay đổi họ.

Trường hợp 1: ông nội bạn đã mất. Theo quy định của luật dân sự, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. Theo đó, nếu ông nội bạn đã mất thì năng lực pháp luật cũng sẽ chấm dứt và không thể thực hiện đổi họ. Khi đó, bố bạn và bạn cũng không có căn cứ để đổi họ. Con bạn buộc phải giữ khai sinh theo họ Lê, không được đổi thánh họ Vũ.

Trường hợp 2: ông nội bạn hiện vẫn sống. Nếu còn sống, ông bạn vẫn có quyền được thay đổi họ, tuy nhiên, chỉ được yêu cầu đổi nếu có căn cứ quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự. Có thể áp dụng căn cứ khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ để yêu cầu được lấy lại họ cũ theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ.

Về thủ tục, ông bạn gửi hồ sơ xin thay đổi họ tên đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi ông bạn đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú hiện tại (khoản 3 Điều 46 – Luật hộ tịch 2014). Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, nếu việc thay đổi họ tên có đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật, cán bộ Tư pháp của Phòng tư pháp sẽ ghi vào sổ đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi họ tên. Đối với trường hợp cần xác minh, thời hạn nêu trên được kéo dài thêm không quá 3 ngày.

Hồ sơ xin thay đổi họ tên bao gồm:

– Tờ khai (theo mẫu).

–  Bản chính giấy khai sinh của người thay đổi họ tên.

– Các giấy tờ liên quan làm căn cứ cho việc thay đổi.

Sau khi ông bạn đã thay đổi họ, thì lần lượt bố bạn và bạn cũng thực hiện thủ tục thay đổi họ như trên, với căn cứ thay đổi khi họ của cha đẻ thay đổi. Từ đó, con bạn cũng sẽ được thay đổi họ theo họ Vũ.

Như vậy, trường hợp ông nội bạn đã mất thì bạn không thể đổi họ cho con mình theo họ cũ của ông bạn. Trường hợp ông nội bạn vẫn còn sống, gia đình bạn có thể thực hiện các thủ tục nêu trên để được thay đổi về họ cũ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc thay đổi họ trong trường hợp này rất phức tạp, rườm rà do phải thay đổi họ của nhiều người. Do đó, bạn cần cân nhắc kỹ việc có thực sự cần thiết phải thực hiện việc đổi họ cho con mình hay không.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com