Làm hộ khẩu ở nơi khác nơi đăng ký thường trú cũ thì có phải làm lại hộ chiếu không?

Câu hỏi của khách hàng: Làm hộ khẩu ở nơi khác nơi đăng ký thường trú cũ thì có phải làm lại hộ chiếu không?

Nhờ mọi người chỉ giúp em với .

Em đang làm công ty của Việt Nam, 1 tháng công tác tại nước ngoài và 1 tháng ở Việt Nam. Hộ khẩu em đăng kí tại nhà anh chị ở Vũng Tàu. Cách đây 3 năm em đã mua nhà ở TPHCM và đăng kí KT3. Giờ em muốn tách khẩu ở Vũng Tàu và làm Hộ khẩu tại TPHCM thì có phải làm lại passport hay có ảnh hưởng gì đến passport mỗi khi em ra nước ngoài không ạ? Em sợ thay đổi họ khẩu sẽ làm rắc rối ảnh hưởng đến việc đi làm ra ngoài ngoài vì em đi thường xuyên.

Em xin cảm ơn luật sư và mọi người.


Luật sư Tư vấn Luật xuất nhập cảnh – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 15/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề thủ tục sửa đổi, bổ sung hộ chiếu

  • Nghị định 03/VBHN-BCA về chứng minh nhân dân
  • Thông tư 29/2016/TT-BCA hướng dẫn việc cấp, sửa đổi , bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước cho công dân Việt Nam

3./ Luật sư trả lời Làm hộ khẩu ở nơi khác nơi đăng ký thường trú cũ thì có phải làm lại hộ chiếu không?

Hộ chiếu là một loại giấy tờ quan trọng, được xem như là giấy thông hành mỗi khi người có hộ chiếu xuất cảnh ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia (Việt Nam) và khi người đó nhập cảnh (Trở lại từ nước ngoài). Theo đó, hộ chiếu quốc gia có 03 loại là:

-Hộ chiếu ngoại giao;

– Hộ chiếu công vụ;

– Hộ chiếu phổ thông

Trong trường hợp này, hộ chiếu của bạn đang sử dụng là hộ chiếu phổ thông để đi ra nước ngoài làm việc.

Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể về việc khi thay đổi hộ khẩu thường trú phải tiến hành thủ tục cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu. Tuy nhiên, trên hộ chiếu thì số CMND là một nội dung bắt buộc và khi bạn đổi hộ khẩu sẽ phải đổi chứng minh nhân dân dẫn đến việc bạn vẫn sẽ phải làm lại hộ chiếu.

Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 03/VBHN-BCA về Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân như sau:

“1. Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:

d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Điểm c Khoản 2 Điều 6 Thông tư 29/2016/TT-BCA về Về hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu:

c) Trường hợp đề nghị sửa chi tiết trang nhân thân trong hộ chiếu (điều chỉnh họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân) của người từ đủ 14 tuổi trở lên thì nộp hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 01 năm và giấy tờ pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đó;

Theo đó, bạn phải tiến hành thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân xong tiến hành thủ tục sửa đổi, bổ sung hộ chiếu.

Thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ: Nộp hồ sơ tại Tổ cấp CMND Công an cấp huyện

– Đơn đề nghị (mẫu CM3)

– Hộ khẩu thường trú

– Kê khai tờ khai cấp CMND.

– Lăn tay, chụp ảnh hoặc công dân nộp ảnh theo quy định.

– Nộp CMND cũ.

Bước 2: Nộp tại công an huyện/quận nơi đăng ký thường trú

– Nhận Giấy biên nhận và giấy hẹn

Thời hạn giải quyết:

Không quá 10 ngày làm việc nếu không qua tra cứu và không quá 15 ngày làm việc nếu phải qua tra cứu (kể từ ngày nhận hồ sơ).

Tại các huyện miền núi, hải đảo: Không quá 15 ngày làm việc nếu không qua tra cứu và không quá 20 ngày làm việc nếu tra cứu (kể từ ngày nhận hồ sơ).

Thủ tục sửa đổi, bổ sung hộ chiếu

Bước 1: Hồ sơ gồm:

– 01 tờ khai Mẫu X01;

– 02 ảnh mới chụp, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng. Trẻ em dưới 09 tuổi cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ thì nộp 02 ảnh cỡ 3cm x 4cm;

– Nộp hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 01 năm và giấy tờ pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đó;

Khi nộp hồ sơ và nhận kết quả, người đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu. Các trường hợp dưới đây thì thực hiện như sau:

Trường hợp nộp hồ sơ tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nơi tạm trú (trong trường hợp của bạn là ở Thành phố Hồ Chí Minh)  thì bạn cần xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp để kiểm tra, đối chiếu;

Bước 2: Nộp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú, tạm trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

– Đối với hồ sơ nộp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh: thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

-Đối với hồ sơ nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh: thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Như vậy, khi bạn thay đổi hộ khẩu thường trú bạn phải tiến hành thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân và tiến hành sửa đổi, bổ sung hộ chiếu.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com