Khiếu nại việc chiếm dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết?

Câu hỏi của khách hàng: Khiếu nại việc chiếm dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết?

Chào các anh chị ạ, em có một vấn đề muốn tham khảo mọi người như sau, mong anh chị góp ý giúp em giải quyết ạ.
Hàng xóm nhà em dùng đất suối sau nhà dựng lán làm mộc. Mà cái lán ngay trước điện tích đất ở nhà em. Hàng ngày nhà này cưa, xẻ, bào gỗ để bụi bẩn bay khắp nơi và nhà em chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nhà này còn mang đồ ra phun dầu với vecni ra khỏi lán để trước cổng nhà em phun. Không kể tiếng ồn của máy móc. Vì thế em quyết định viết đơn tố cáo về hành vi chiếm đất công; thực hiện hoạt động kinh doanh sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn.
Sau khi đọc luật tố cáo và một số tài liệu khác, em xác định phải nộp đơn lên UBND phường, UBND xã và phòng tài nguyên môi trường xã.
Tuy nhiên, hôm nay lên xác nhận với trưởng khu thì ông ấy bảo phải nộp đơn cho khu trước để giải quyết chứ không được nộp lên cấp cao luôn. Vậy với kinh nghiệm thực tế và hiểu biết của các anh chị, em nên nộp đơn đến cơ quan nào? Và vấn đề này có thể được giải quyết đến mức độ nào, cơ quan có thẩm quyền trên thực tế có yêu cầu di dời cái lán đấy không? Em xin chân thành cảm ơn mỗi chỉ dạy của mọi người ạ!


Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 14/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Khiếu nại việc sử dụng đất trái phép

  • Luật đất đai năm 2013
  • Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
  • Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

3./ Luật sư trả lời Khiếu nại việc chiếm dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết?

Đất đai là một trong những tài nguyên quan trọng của mỗi một quốc gia. Để sử dụng tài nguyên này một cách có hiệu quả nhất, nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng về việc sử dụng đất cũng như biện pháp xử lý người có hành vi vi phạm.

Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Luật đất đai thì hành vi lấn, chiếm đất đai được coi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, bạn có thể hiểu lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất, còn chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Căn cứ Khoản 2 Điều 208 Luật đất đai thì:

Điều 208.Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai

2.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Căn cứ Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì người có hành vi lấn, chiếm đất sẽ phải chịu trách nhiệm sau:

-Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

-Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

-Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

Bên cạnh đó, người có hành vi trên còn bị buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm.

-Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

Căn cứ Chương III Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì chủ thể có thẩm quyền xử phạt chủ yếu là:

-Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5.000.000 đồng; …

-Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo ; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; …

-Thanh tra chuyên ngành đất đai theo quy định tại Điều 32 Nghị định 102/2014/NĐ-CP như Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ ; Chánh thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành,…

Về hành vi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của cơ sở. Căn cứ Chương III Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có chủ yếu là những chủ thể sau :

-Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp :

+Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5.000.000 đồng; …

+Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; …

+Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; …

-Công an nhân dân theo quy định tại Điều 49 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

-Thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 50 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (như Thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và chức danh tương đương,…)

Theo đó, thông thường, bạn nên gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm tới Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được đơn yêu cầu của bạn, chủ thể có thẩm quyền sẽ tiến hành giải quyết theo quy định tương đương với hành vi vi phạm của bên kia.

Còn về việc giải quyết trước tại địa phương, bạn cần nêu rõ việc tố cáo của bạn là tố cáo hành vi vi phạm hành chính của bên kia về việc sử dụng đất đai trái phép cùng việc gây ô nhiễm môi trường, không phải là việc giải quyết tranh chấp đất đai (về quyền sử dụng đất, ranh giới sử dụng đất,…). Bởi việc hòa giải ở cơ sở thông thường chỉ bắt buộc với các tranh chấp đất đai giữa các chủ thể với nhau. Việc đã hòa giải hay chưa không được áp dụng với việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể sử dụng đất, có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xác định rõ bạn đang thực hiện việc yêu cầu UBND giải quyết tranh chấp đất đai giữa bạn và gia đình nhà kia hay thực hiện việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hành chính của bên kia. Trong trường hợp bạn có phản ánh về việc sử dụng đất trái phép, hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường, bạn có thể làm đơn yêu cầu gửi tới UBND xã để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com