Hàng xóm tự làm cổng chung và khóa lại gây cản trở đi lại thì phải làm sao?

Câu hỏi của khách hàng: Hàng xóm tự làm cổng chung và khóa lại gây cản trở đi lại thì phải làm sao?

Thưa các cô chú anh em bạn bè
Mình có việc này rất mong các bạn tư vấn xem mình nên làm thế nào? Xóm mình có 7 nhà, từ ngày mình về đây ở, 3-4 lần xóm bảo làm cổng chung nhưng cứ được nhà này đồng ý thi hỏng nhà kia, những lần đó lần nào nhà mình cũng đồng ý làm hết. Đến lần này mọi người bảo làm thì nhà mình không đồng ý làm nữa, bởi trong quá trình sống ở đây đã xảy ra xích mích trong xóm nên mình nghĩ cứ nhà ai nhà nấy sống, làm cổng ra đóng vào đóng thêm phiền phức. 6 nhà còn lại đồng ý đóng thì mình có nói đây là cổng chung, ai làm gì thì làm không ảnh hưởng đến việc đi lại nhà mình là được. Đến khi làm xong họ chia tiền mỗi nhà hết 1.350.000 đồng, vợ ông làm cổng cũng là một gia đình thành viên trong xóm mang giấy chia tiền đưa mình. Mình bảo bà là thứ nhất nhà cháu không nợ nhà bà, thứ hai là nếu ông H… ( tên chồng bà) nhận làm thì ngay từ đầu phải hỏi những nhà kia xem nhà cháu không đồng ý làm thì tiền nong chia chác thế nào. Nhưng thôi giờ mọi người đã làm rồi thì cháu có một ít gọi là đóng góp thôi chứ bản thân nhà cháu không thích làm. ( mình đưa bà 500) hơn nữa giờ chồng cháu mới đi làm tháng 1 mới có lương, mình cháu lo 2 đứa ăn học cũng mệt lắm (chồng mình mới xuống tàu làm, có 3 mẹ con ở nhà)
Một lúc sau ông H ( ông làm cổng) sang gọi mình là mày đưa chìa khoá cổng đây, xong cần tờ tiền 500 vất xuống bảo tao trả tiền mày đây, ai cũng đóng mình nhà mày không đóng mà được à xong xừng xổ xông vào nhà mình định đánh, lúc này mình bảo con gái quay video nên ông ấy đi ra. Xong ông ấy bảo mày ra đây xem T có dám làm gì mày không? Giờ điều mình lo là họ sẽ thay khoá và không đưa chìa khóa cho mình ảnh hưởng đến việc đi lại của nhà mình. Mọi người cho mình lời khuyên nên giải quyết việc này như nào với, mang ra phường kiện được không? Hay thế nào mọi người tư vấn giùm mình, có ba mẹ con ở nhà, phận nữ nhi đôi khi cũng bị bắt nạt mọi người à!
Cảm ơn Mọi người


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự năm 2015 – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 27/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm xây cổng chung của xóm

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Hàng xóm tự làm cổng chung và khóa lại gây cản trở đi lại thì phải làm sao?

Trước tiên, theo thông tin bạn cung cấp, tôi hiểu việc xây cổng chung cho xóm là việc mọi người tự nguyện xây dựng, không phải thực hiện theo quyết định của bất kỳ chủ thể Nhà nước có thẩm quyền nào. Nên, về mặt pháp lý, không ai có quyền bắt ép bạn phải đồng ý việc xây dựng trên.

Căn cứ Điều 211 Bộ luật dân sự thì sở hữu của dòng họ, thôn , ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng được coi là sở hữu chung của cộng đồng.

Mà phần đất dành làm đường đi chung được xác định là lối đi thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Nên, căn cứ vào Khoản 2 Điều 211 Bộ luật dân sự, các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tức là, việc sử dụng lối đi chung là quyền của bạn và gia đình, việc xây dựng cổng xóm không phải là căn cứ để mọi người hạn chế quyền sử dụng phần đường trên để đi lại.

Nói cách khác, nếu những người này không cho phép bạn sử dụng cổng xóm, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu những người kia để cho bạn một phần đất để đi lại. Bởi, lối đi này thuộc quyền sử dụng của cộng đồng, không phải của những người xây cổng làng.

Khi những người này cố tình đổi khóa cổng và ngăn cản bạn thực hiện quyền sử dụng phần lối đi trên, bạn có quyền yêu cầu các chủ thể trên thay đổi kết cấu của chiếc cổng xóm để bạn có thể sử dụng lối đi cộng đồng này.

Tuy nhiên, việc bạn đưa tranh chấp này ra xã giải quyết chỉ mang tính chất hòa giải, và đây là bạn có yêu cầu UBND xã hòa giải tranh chấp của hai bên, không phải khởi kiện để giải quyết tranh chấp. Việc khởi kiện chỉ được hiểu là việc bạn làm hồ sơ khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự.

Thế nhưng, khi không hòa giải được tranh chấp dẫn đến việc giải quyết phải thông qua Tòa án, bạn nên thỏa thuận với những người trong xóm về việc sử dụng tài sản, trả một phần chi phí xây dựng để được sử dụng tài sản này. Bởi, việc giải quyết tranh chấp qua Tòa án sẽ khiến bạn mất nhiều công sức, thời gian và thậm chí là tiền bạc trong quá trình theo đuổi vụ án.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có quyền sử dụng lối đi chung của cộng đồng ngay cả khi phần đất này được những người trong xóm xây dựng cổng chung. Bạn có quyền yêu cầu những người này thay đổi kết cấu của cổng của xóm nếu họ không đồng ý cho bạn đi qua cổng. Tuy nhiên, khi không hòa giải được (do các bên tự thỏa thuận hoặc thông qua các chủ thể có thẩm quyền), bạn vẫn nên bỏ số tiền chia theo tỷ lệ mà những người khác bỏ ra để tránh xung đột kéo dài.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com