Câu hỏi của khách hàng: Đơn xin trích lục sao lưu lại hồ sơ vụ án phải làm như thế nào?
Các bạn cho mình hỏi 1 chút về tòa xử án: Hiện tại vụ án của mình xử rồi, tòa án đã cắt giảm hồ sơ vụ án, bao che tội phạm, hiện giờ mình lên tối cao , mình muốn trích lục sao lưu lại hồ sơ tại tòa án, vậy phải làm đơn như thế nào vậy, và mình yêu cầu xin sao lưu lại các biên bản và các tài liệu như vậy phải viết rõ trong đơn ạ
xin cảm ơn mọi người đã giúp đỡ
Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 08/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Đơn yêu cầu sao chụp tài liệu
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
- Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa
3./ Luật sư trả lời Đơn xin trích lục sao lưu lại hồ sơ vụ án phải làm như thế nào?
Trong trường hợp của bạn, bạn cần đưa rõ một số tình tiết của vụ việc như đây là vụ án hình sự này đang được tiến hành ở giai đoạn nào (đã kết thúc hay chưa,…) hay bạn có vai trò gì trong vụ án. Căn cứ mà bạn yêu cầu được sao lưu hồ sơ vụ án là gì.
Căn cứ Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự:
“Điều 82. Đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án
1.Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án.
2.Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu, người bào chữa phải bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho cơ quan đã cung cấp hồ sơ. Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, chủ thể có thẩm quyền có thể yêu cầu được đọc, ghi chéo, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi chủ thể nhà nước có thẩm quyền kết thúc điều tra.
Thông thường, với những chi tiết bạn đưa ra thì bạn có thể làm đơn yêu cầu trên mẫu sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–o0o—–
………, ngày…. tháng…. năm………
ĐƠN YÊU CẦU SAO CHỤP TÀI LIỆU
(V/v: Yêu cầu được đọc, ghi chép bản sao tài liệu/tài liệu được số hóa)
Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
– Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Căn cứ Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa.
Tên tôi là:………………………………… Sinh năm:…………….
Chứng minh nhân dân số:……………………………do……………………. cấp ngày…. tháng…. năm………
Là: ………………. trong vụ án hình sự số………………… đang trong thời gian…………………. (ví dụ: chuẩn bị xét xử phúc thẩm)
Địa chỉ thường trú:………………………………………………………
Hiện đang cư trú tại:……………………………………………………….
Số điện thoại liên hệ:……………………………………
Tôi xin trình bày sự việc như sau:
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
(Trình bày lý do yêu cầu)
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BQP:
“Điều 5. Tiếp nhận yêu cầu đọc, ghi chép tài liệu của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội
1.Khi bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì phải có văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án. Nội dung văn bản yêu cầu phải nêu rõ các thông tin của bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội, địa chỉ liên lạc, điện thoại liên hệ và các tài liệu cần đọc, ghi chép để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết.
2.Trường hợp bị can đang bị tạm giam có văn bản yêu cầu được đọc, ghi chép tài liệu thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển văn bản yêu cầu của bị can cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án đó trong thời hạn 01 ngày, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của bị can.”
Tôi nhận thấy mình có quyền được đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án mà tôi đang là……………………………..
Do vậy, tôi kính đề nghị Quý cơ quan tổ chức cho tôi được đọc, ghi chép hồ sơ vụ án trên, cụ thể là những tài liệu sau:
-………………………
-………………………
(Liệt kê tài liệu)
Tôi xin cam đoan những thông tin tôi đã nêu trên là đúng sự thật và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của những thông tin trên.
Kính mong Quý cơ quan tạo điều kiện xem xét và giải quyết yêu cầu của tôi theo đúng quy định của pháp luật.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Người làm đơn (Ký và ghi rõ họ tên) |
Bạn cần gửi đơn yêu cầu này tới chính chủ thể đang có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ, tài liệu vụ án. Trong đơn, bạn cần liệt kê rõ ràng các giấy tờ, tài liệu mà bạn xin sao lưu. Như khi đang trong quá trình chuẩn bị xét xử thì bạn gửi đơn yêu cầu tới Tòa án đang lưu trữ hồ sơ vụ án.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn yêu cầu được sao chụp tài liệu theo quy định của pháp luật và gửi tới Tòa án nhân dân hiện đang quản lý hồ sơ vụ án để được tổ chức cho bạn đọc, ghi chép bản sao của tài liệu trong hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.