Ba chiếm dụng, bán đất do ba mẹ tạo lập từ trước thì phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Câu hỏi của khách hàng: Ba chiếm dụng, bán đất do ba mẹ tạo lập từ trước thì phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?

em có một việc muốn cả nhà tư vấn cho em. Chuyện là ba mẹ em có một mảnh đất A. (có 3 thửa là A1. A2 và A3) ba mẹ Em sinh sống và cùng tạo lập năm 1990. Đến năm 1997 Mẹ em lâm bệnh và qua đời. ( không để lại di chúc ). Năm 1999 mảnh đất A của nhà Em được cấp giấy CNQSDĐ là HỘ ÔNG A. Nhưng đến năm 2010 không hiểu sao Ba Em lại chuyển mảnh đất A1 thành 2 Mảnh là 112 và 113 và mang tên chủ sở hữu là Ông A chứ không phải là Hộ A nữa. theo em được biết nếu là đất là Hộ thì ghi muốn tách từng thửa thì phải có ý kiến của các thành viên trong gia đình. Vậy việc Ba em làm như vậy là đúng hay sai?? Ba em là người sống rất tệ bạc. Mẹ em mất sau 3 ngày là Bỏ em đến bây giờ luôn. Sau khi Mẹ mất chưa được một tháng Ba đã bỏ Em cho ông bà ngoại nuôi dưỡng và lập gia đình mới. (Mẹ mất khi em 3 Tuổi) Hiện tại mấy năm trước đã bán đi 2 Mảnh đất là 112 và 113 rồi. Mảnh đất còn lại cũng đang rao bán mà không thông qua em. ( Ba và mẹ kế đã li dị tháng 4/2017) nhưng giờ vẫn thông đồng để bán hết lấy tiền chia nhau. Giờ em muốn làm đơn khởi kiện ra toà để dành quyền lợi của mình do Mẹ để lại. Em phải làm như thế nào. sổ đỏ trong tay em không có. Nên mọi thứ gần như bất lực. Cả nhà giúp Em với…


Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 09/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Việc định đoạt đất được cấp cho hộ gia đình

  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Luật đất đai năm 2013

3./ Luật sư trả lời Ba chiếm dụng, bán đất do ba mẹ tạo lập từ trước thì phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào do Bộ luật tố tụng dân sự quy định đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền có người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Như vậy, nếu bạn nhận thấy việc làm của ba của bạn đang xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, bạn có thể thực hiện quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự thì đương sự là người có quyền và nghĩa vụ thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Nói cách khác, khi bạn khởi kiện, bạn phải cung cấp được chứng cứ, tài liệu chứng minh yêu cầu của bạn là hợp pháp thì Tòa án mới tổ chức giải quyết tranh chấp cho bạn theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trước khi bạn khởi kiện, bạn nên chắc chắn về việc quyền và lợi ích hợp pháp của bạn thực sự bị xâm phạm (nhất là về mặt pháp lý). Bởi, trước khi tranh chấp của bạn thực sự được giải quyết, bước vào giai đoạn chuẩn bị xét xử thì bạn chính là người có trách nhiệm nộp tạm ứng án phí.

Và, theo như thông tin bạn cung cấp thì quyền sử dụng mảnh đất A này không phải chắc chắn là tài sản thuộc sở hữu chung của bạn và ba của bạn (và những người khác nếu có). Bởi, với thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất trên được xác lập cho hộ ông A. Mà hộ ông A ở đây được hiểu là toàn bộ thành viên gia đình ông A được ghi trong sổ hộ khẩu tại thời điểm đó. Nói cách khác, nếu thời điểm năm 1999 (thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mà hộ gia đình ông A không bao gồm cả bạn, thì về mặt pháp lý, bạn không phải là một trong những người được xác lập quyền sở hữu với quyền sử dụng mảnh đất trên.

Khi đó, việc tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất trên sẽ không yêu cầu phải có sự đồng ý của bạn. Ba của bạn có thể thực hiện tách thửa đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cần bạn đồng ý.

Còn về việc mảnh đất này đã được sử dụng từ những năm trước khi được cấp Giấy chứng nhận bởi cả ba và mẹ bạn. Bạn cần hiểu, việc mẹ bạn sử dụng phần đất này không phải luôn là căn cứ để mẹ của bạn xác lập quyền sử dụng phần đất trên. Trong trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mẹ bạn chỉ được xác định là một trong những người có quyền sử dụng đất khi việc sử dụng đất này đáp ứng được các quy định của pháp luật để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tức là, bạn cần chứng minh được việc sử dụng đất của mẹ và ba bạn là căn cứ để Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đất cho gia đình. Mẹ của bạn, khi đó, là một trong những người có quyền đối với mảnh đất và khi mẹ bạn mất, một phần quyền sử dụng sẽ được để thừa kế cho bạn theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, trong trường hợp của bạn, trước hết, bạn cần xác định phạm vi quyền của chính bạn đối với quyền sử dụng mảnh đất trên. Nếu sau khi xác định, bạn thấy việc làm của ba bạn là hành vi vi phạm, xâm phạm tới quyền và lợi ích của bạn, bạn cần:

-Tổ chức một cuộc họp gia đình với bố của bạn, yêu cầu bố của bạn không được bán phần đất trên.

-Trường hợp bố bạn không hợp tác, bạn cần làm đơn yêu cầu UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp hòa giải tranh chấp. Đây là một trong những yêu cầu để xác lập thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai của Tòa án theo quy định tại Điều 202 và Điều 203 Luật đất đai. Đồng thời cũng là căn cứ để ba của bạn bị hạn chế quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

-Trường hợp hòa giải không thành. Bạn có thể làm đơn khởi kiện và gửi ra Tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng. Kèm theo đơn, bạn cần gửi kèm tất cả những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của bạn là hợp pháp mà bạn có được cùng với Biên bản hòa giải tranh chấp của UBND xã. Căn cứ Khoản 9 Điều 26, Điều 35 và điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của bạn và ba của bạn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp. Giấy tờ này có thể là xác nhận của UBND xã về việc bạn là một trong những chủ thể được cấp quyền sử dụng đất (tức là bạn là một trong những thành viên trong hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận tại thời điểm năm 1999),…

Như vậy, trong trường hợp của bạn, trước hết, bạn cần xác định phạm vi quyền của mình. Nếu có nhu cầu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, trước hết bạn cần làm đơn yêu cầu UBND xã thực hiện hòa giải, sau khi hòa giải không thành thì làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân (thông thường là cấp huyện nơi có đất tranh chấp) giải quyết theo quy định của pháp luật. Dựa vào kết quả giải quyết của Tòa án, bạn có thể tiến hành xác lập quyền sử dụng đất.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com