Câu hỏi của khách hàng: Thỏa thuận nợ qua mồm rồi tự ghi vào sổ có hợp pháp
Xin chào mọi người.
Cho em hỏi: ba em mượn tiền lén người khác mỗi lần lắc nhắc vài trăm nghìn. Ba em nhớ rằng mượn tiền chưa tới 2 triệu. Trước đó, ba em thường xuyên giấu tiền để trả lãi đều đặn mỗi tháng. Bà chủ nợ giở trò ghi sổ 5 triệu. Hôm qua, ba em giấu tiền trả 2 triệu. Gia đình em biết được nên đã ra nhà nói chuyện. Do ba em là đàn ông nên không biết ăn nói, bà chủ kia cứ khăng khăng một mực 5 triệu và không chịu cho khất tiền lãi. Giao dịch được thỏa thuận qua ăn nói, bà chủ thì tự ghi vào sổ của mình. Do không chịu nổi tính nói dối nên gia đình em quyết định không trả tiền nữa. Như vậy có được không ạ?
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 22/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giá trị của giấy ghi khoản nợ mà bên cho vay tự ghi
Bộ luật dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Thỏa thuận nợ qua mồm rồi tự ghi vào sổ có hợp pháp
Hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng vay tiền (một loại tài sản) có thể được xác lập bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi.
Căn cứ Điều 119 Bộ luật dân sự quy định về hình thức giao dịch dân sự thì:
“1.Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2.Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Theo đó, việc bố bạn có vay mượn tiền chỉ trên sự thỏa thuận bằng lời nói là một hình thức giao dịch dân sự, phát sinh kể từ thời điểm người đó cho bố bạn vay tiền. Và bố bạn có nghĩa vụ trả tiền vay, lãi (nếu có) theo thỏa thuận các bên.
Do vậy, việc người đó ghi vào sổ số tiền vay (không có chữ ký xác nhận của bố bạn) chỉ là hình thức để người đó nhớ số lần giao dịch, số tiền vay. Đây không phải là căn cứ chứng minh việc bố bạn có vay từng đó.
Nên, nếu người đó cố tình báo số tiền vay lớn hơn so với số tiền vay thực tế bố bạn vay. Hành vi của người đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên người đó sẽ không bị xử phạt do chưa chiếm đoạt được tài sản của mình.
Đối với việc bố của bạn không trả số tiền trên do không đồng ý với khoản nợ mà người cho vay đã ghi nhận. Bên cho vay có quyền khởi kiện bố của bạn tới tòa án yêu cầu bố của bạn thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, khi khởi kiện đòi số tiền còn lại thì chính người đó sẽ phải chứng minh việc thực tế có cho bố của bạn mượn 5 triệu và bây giờ bố bạn không đồng ý với số nợ đó.
Tuy nhiên, bạn phải chắc chắn về số tiền này. Bởi, khi có sự can thiệp của cơ quan nhà nước, và chủ thể có thẩm quyền nhận định bố bạn đã vay số tiền như bên cho vay đã ghi nhưng cố tình không trả (mặc dù nhớ là vay 5 triệu nhưng không nhận nhằm chiếm đoạt số tiền trên) thì rất có thể, bố của bạn sẽ bị xử lý hình sự về một trong các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tóm lại, đối với trường hợp này, các bên nên thỏa thuận và thống nhất số tiền vay để tự giải quyết. Nếu bố của bạn cho rằng và chắc chắn số tiền vay chỉ khoảng 2 triệu thì trả lại cho bên kia. Khoản chênh lệch so với thực tế thì yêu cầu người đó chứng minh trước khi trả. Tránh việc số tiền nợ mà bên cho vay đã ghi là đúng (do bố của bạn nhớ sai), giữa các bên phát sinh tranh chấp và phải yêu cầu các cơ quan chức năng đứng ra giải quyết.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.