Hàng xóm không che đậy phế liệu để chảy nước vào nhà thì xử lý thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Hàng xóm không che đậy phế liệu để chảy nước vào nhà thì xử lý thế nào

Mọi người giúp em với!

Hiện tại nhà em có tiếp giáp với một nhà hàng xóm bên cạnh. Nhà em thì có tường, nhà nó thì không có tường. Hôm nọ đi qua nhà nó em chỉ thấy bên trong nó dựng đồ phế liệu che ngang tầm mắt không thấy gì . Mấy hôm nay trời đổ mưa mà hình như nhà nó không chịu lập mái tôn để ngăn dòng nước chảy vào tường nhà em, làm cho tường nhà em bị dột, NƯỚC CHẢY CẢ VÀO TRONG NHÀ.

Cho em hỏi mình có thể làm gì để tố cáo nhà hàng xóm? Em có nên trình báo sự việc với cơ quan địa phương không? Nếu có thì em nên làm những gì?


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự– Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 26/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ bảo vệ môi trường

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình,

3./ Luật sư trả lời Hàng xóm không che đậy phế liệu để chảy nước vào nhà thì xử lý thế nào

Theo quy định của pháp luật thì phế liệu được hiểu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác. Việc tập kết phế liệu sẽ ảnh hưởng một cách trực tiếp tới môi trường xung quanh. Do vậy, pháp luật có những quy định riêng về việc tập kết phế liệu để bảo vệ môi trường. Khi một cá nhân có bãi để tập kết phế liệu gần phần đất của người khác, không có các biện pháp phòng ngừa, khắc phục gây ô nhiễm thì sẽ phải gánh chịu những trách nhiệm nhất định.

Ngành nghề nhập khẩu phế liệu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Chủ thể thực hiện phải đảm bảo các tiêu chí như: có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu phế liệu, cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống phòng chống cháy nổ… theo quy định. Còn việc kinh doanh, tập kết nhỏ lẻ phế liệu thì không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng chủ thể vẫn phải đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường, có bãi tập kết riêng,…

Trong trường hợp bạn đưa ra, bạn chỉ phản ánh tình trạng nước tràn vào nhà bạn do người kia không chịu lập mái tôn để ngăn dòng nước nên ở đây sẽ chỉ bàn tới trách nhiệm xoay quanh việc này.

Căn cứ Điều 172 Bộ luật dân sự:

Điều 172. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường

Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

Theo đó, bảo vệ môi trường là một trong những nghĩa vụ của bất kể chủ thể nào khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác với tài sản.

Căn cứ Khoản 2 Điều 177 Bộ luật dân sự:

Điều 177. Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại

… 2. … Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.

3.Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.”

Khi xây dựng bãi tập kết phế liệu thì người này có trách nhiệm xây dựng bãi cách mốc giới (giữa nhà người này và nhà bạn) một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, đảm bảo vệ sinh, an toàn và không được làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.

Theo đó, việc người hàng xóm bạn (sau đây gọi là người gây thiệt hại) tập kết phế liệu nhưng không che chắn cẩn thận dẫn tới tình trạng khi trời mưa, nước chảy sang tường nhà bạn, làm cho tường nhà bạn bị thấm, nước chảy vào trong nhà là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại có các hành vi để hạn chế, khắc phục tình trạng trên và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp, hai bên không thể thỏa thuận về việc bồi thường, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình bạn có thể báo với Ủy ban nhân dân xã để chủ thể có thẩm quyền có các biện pháp xử lý tránh thiệt hại cho các bên khi bạn yêu cầu các biện pháp xử lý, hạn chế thiệt hại nhưng người gây thiệt hại không thực hiện.

Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, bạn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại có các biện pháp chấm dứt hành vi gây thiệt hại, hạn chế và khắc phục hậu quả  hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Ngoài ra, bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, thỏa thuận về việc bồi thường theo quy định. Nếu không thỏa thuận được, bạn có quyền yêu cầu Tòa án tham gia giải quyết.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com