Được đấu giá cho lối đi thì xử lý thế nào khi không mua được

Câu hỏi của khách hàng: Được đấu giá cho lối đi thì xử lý thế nào khi không mua được

Nhờ các luật gia tư vấn giúp ạ!
Hiện tại khu đất mình đang ở bị bao bọc 4 bên không có lối đi, lối đi chính ra đường công cộng phải qua 5m thửa đất công của nhà nước (115 mét vuông). Mình có làm đơn xin mở lối đi và yêu cầu nếu được thì xin mua luôn thửa đất và được nhà nước chấp nhận bằng hình thức đấu giá. Cho mình hỏi với hình thức đấu giá thì lỡ như mình không mua được thì mình sẽ tiếp tục không có lối đi, lúc đó có quyền xin giải quyết để có lối đi không? Về phía pháp luật thì sẽ giải quyết như thế nào nếu mình đấu giá mua không thành công ạ, mình cảm ơn!


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 22/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền về lối đi qua đối với bất động sản liền kề

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Được đấu giá cho lối đi thì xử lý thế nào khi không mua được

Đấu giá tài sản được hiểu là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, trước khi hoàn thành việc bán đấu giá thì sẽ không thể biết được chắc chắn ai là người sẽ mua được tài sản. Tuy nhiên, việc nhà nước sở hữu tài sản hay một cá nhân khác sở hữu tài sản sẽ không phải là căn cứ để hạn chế một quyền lợi hợp pháp nào đó của chủ thể khác.

Căn cứ Điều 254 Bộ luật dân sự:

Điều 254. Quyền về lối đi qua

1.Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3.Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Theo đó, quyền về lối đi qua này không bị hạn chế bởi việc chủ sở hữu của mảnh đất là nhà nước hay chủ thể nào khác. Hơn nữa, nếu nhà nước đã chấp nhận dành một phần đất để làm lối đi qua cho bạn thì khi nhà nước bán quyền sử dụng mảnh đất có bao gồm phần đất trên, nghĩa vụ sử dụng phần đất đó để làm lối đi qua cũng được chuyển dịch. Tức là, bên mua được mảnh đất có nghĩa vụ phải để lại một phần diện tích đất làm lối đi ra theo như quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi họ chấp nhận mua mảnh đất này đã đồng nghĩa với việc phải thực hiện nghĩa vụ đi kèm với mảnh đất.

Tuy nhiên, khi người khác mua được mảnh đất trên thì hai bên hoàn toàn có quyền thỏa thuận một lối đi khác trên phần đất còn lại nếu bên mua có yêu cầu. Ví dụ như khi phần đất được dành làm lối đi chung này nằm giữ mảnh đất mà họ đã mua, thì hai bên có thể thỏa thuận dùng một diện tích đất khác để làm lối đi qua cho bạn và xây nhà lên phần đất đáng lẽ ra là lối đi qua.

Trong trường hợp bên mua được mảnh đất trên không đồng ý việc dành một phần đất làm lối đi qua cho bạn và điều đó làm cho bạn không có lối đi ra thì bạn có quyền yêu cầu người này để lại một phần làm lối đi qua cho bạn. Nếu có tranh chấp, hai bên có thể yêu cầu Tòa án hoặc các chủ thể có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, khi chủ sở hữu quyền sử dụng đất dành ra một lối đi qua cho bạn thì bạn có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền nhất định (có thể là theo thỏa thuận) để đền bù cho chủ sở hữu bất động sản đó.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, kể cả khi bạn không mua được phần đất trên thì bạn vẫn có quyền yêu cầu bên mua được dành một phần đất làm lối đi qua cho bạn như yêu cầu trước đó của bạn mà Nhà nước đã đồng ý. Và bạn có nghĩa vụ đền bù một khoản tiền thích hợp cho người này vì việc sử dụng phần đất trên.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com