Con chưa đủ 12 tháng tuổi và đang ở với ông bà nếu ly hôn chia thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Con chưa đủ 12 tháng tuổi và đang ở với ông bà nếu ly hôn chia thế nào

Hiện tại tôi đã kết hôn và có một đứa con chung với chồng.

Chúng tôi kết hôn mới được gần hai năm và có một bé 8 tháng tuổi, cuộc sống sau khi có con bắt đầu mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí chồng còn đánh, đuổi tôi và con. Anh ta yêu cầu tôi phải viết đơn nộp vì con chưa đủ 12 tháng anh ta không có quyền nộp đơn.

Sau nhiều lần cãi vã và đuổi tôi đã về ngoại vài ngày, sau vì công việc đang dở dang tôi đã phải thuê trọ ngoại gần công ty, mẹ tôi ra trông bé. Anh ta nói nếu tôi không nộp đơn thì anh ta sẽ chia rẽ mẹ con tôi, sau vài lần tôi tìm cách hoãn lại vì tôi không có thời gian nghỉ anh ta đồng ý sang năm 2018 này.

Chúng tôi ở chung với ông bà, sau khi kết hôn chúng tôi có mua xe máy đứng tên tôi và mua rất nhiều đồ dùng có giá trị trong nhà. Mỗi tháng chúng tôi đóng 7 triệu/1tháng tiền phường bắt đầu từ tháng 3/2016. Sau tháng 3/2017 số tiền lấy 1 hội đó chúng tôi cho người bố giữ hộ gửi ngân hàng, còn hơn 44 triệu đồng còn lại đều đứng tên bố chồng tôi..

Lần trước anh ta nói nếu tôi nuôi con anh ta sẽ không cấp dưỡng dù một đồng.

Vậy cho tôi xin hỏi khi ly hôn trường hợp của tôi sẽ được giải quyết như thế nào và phân chia tài sản không ?


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 02/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giải quyết hậu quả khi ly hôn

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của luật hôn nhân và gia đình.

3./ Luật sư trả lời Con chưa đủ 12 tháng tuổi và đang ở với ông bà nếu ly hôn chia thế nào

Theo thông tin bạn cung cấp, chồng của bạn muốn ly hôn với bạn nhưng do bạn đang nuôi con dưới 12 tháng nên chồng bạn không thể làm đơn ly hôn được. Nếu bạn muốn ly hôn, bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Nếu cả hai bên không có tranh chấp gì, việc ly hôn của bạn là thuận tình, bạn làm thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được một trong số các vấn đề trên, bạn cần làm đơn khởi kiện ly hôn theo quy định. Tòa án sẽ căn cú vào các quy định sau đây để giải quyết tranh chấp cho bạn.

-Về việc ly hôn. Nếu bạn không đồng ý, chồng của bạn sẽ không thể ly hôn được cho đến khi con của bạn đủ 12 tháng tuổi theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, để ly hôn trong trường hợp này, bạn phải đồng ý việc ly hôn.

-Về quyền trực tiếp nuôi con và việc cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1.Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, trong trường hợp trên, nếu bạn không đồng ý việc người chồng là người sẽ trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và người chồng không chứng minh được bạn là người không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì đứa bé (8 tháng tuổi) sẽ được Tòa án giao cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng. Bố của đứa trẻ (chồng của bạn) có trách nhiệm cấp dưỡng cho con khi không trực tiếp nuôi con theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. …”

Tuy nhiên, khoản tiền cấp dưỡng sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, nhận định của Tòa án vào hoàn cảnh thực tế của các bên có liên quan. Pháp luật không có quy định gì về mức cấp dưỡng trong trường hợp này.

-Về chia tài sản. Theo quy định thì việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo nội dung thỏa thuận giữa hai bên vợ chồng, nếu không thỏa thuận được có quyền yêu cầu tòa giải quyết. Căn cứ Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTPĐiều 59 Luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

+Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình:

“Điều 3. Tài sản chung của vợ chồng

1.Tài sản chung được xác định là những tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận khác; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. …”

Theo đó, tài sản chung của bạn và chồng được xác định bao gồm cả chiếc xe máy, những đồ mà bạn đã mua,…. Khoản tiền chơi hội của bạn (gồm cả tiền mà người bố đang giữ hộ và 44 triệu phường còn lại) cũng sẽ được xác định là tài sản chung nếu bạn chứng minh được số tiền này không phải là tiền của người đang giữ như các giấy tờ chứng minh bạn và chồng là người đóng tiền, bố của bạn chỉ là người giữ, bên trung gian mà thôi,… Nếu không chứng minh được thì số tiền đó sẽ được coi là số tiền mà bố bạn vay của hai vợ chồng. Đây được coi là một hợp đồng vay tài sản giữa bố bạn và vợj chồng bạn. Bạn có thể yêu cầu người này trả nợ.

Tuy nhiên, nếu bạn chứng minh được những tài sản được xác định là tài sản chung trên là tài sản riêng của bạn (như mua được từ số tiền được thừa kế,…) thì tài sản đó sẽ thuộc về bạn, Tòa án sẽ không chia cho người chồng.

Như vậy, nếu bạn thấy giữa bạn và chồng không còn tình cảm với nhau thì bạn có quyền ly hôn. Trường hợp bạn không muốn ly hôn nhưng chồng bạn có hành vi cưỡng ép ly hôn thì bạn nên báo với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi đó. Về chia tài sản, hai bên sẽ thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Thông thường Tòa án sẽ chia đôi khối tài sản chung. Về việc nuôi con, theo quy định, nếu hai bên không thỏa thuận được, bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con, bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com