Có thể gửi giấy đề không liên quan đến vụ kiện và không lên tòa làm việc không

Câu hỏi của khách hàng: Có thể gửi giấy đề không liên quan đến vụ kiện và không lên tòa làm việc không

Em đang có 1 vấn đề mong mọi người tư vấn giúp em ạ.
Chuyện là vợ chồng chị gái ly hôn. Mà anh rể gởi giấy yêu cầu tòa án nơi 2 người ly hôn.
Rồi tòa án hoài án gởi giấy triệu tập vô sg ( gởi vô cho vợ chồng em. tòa án quận 9 mời 2 vợ chồng lên hỏi chuyện là trước kia có mượn tiền của 2 vợ chồng chị) mà tiền bạc đã trả xong và mượn thì không có giấy tờ gì.
Mọi người tư vấn giúp em.
Em có thể viết giấy ngược lại cho tòa án bình định không (ý là em không dính dáng gì đến vụ này tại sao gởi giấy triệu tập cho em làm phiền em).


Luật sư Tư vấn Bộ luật tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 16/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ khi có giấy triệu tập của tòa

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Có thể gửi giấy đề không liên quan đến vụ kiện và không lên tòa làm việc không

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Những vấn đề cần giải quyết khi ly hôn là vấn đề về quan hệ hôn nhân, con cái và tài sản. Vấn đề về tài sản ở đây bao gồm cả chia tài sản và nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng.

Theo thông tin bạn cung cấp thì có lẽ vợ chồng chị của bạn, khi làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đã liệt kê khoản nợ của bạn vào phần trình bày về tài sản chung. Nói cách khác, việc Tòa án gọi vợ chồng bạn lên là để xác nhận việc hai vợ chồng của bạn có vay tiền hai người này không để “chia tài sản chung” cho vợ chồng chị của bạn theo quy định. Do Tòa không thể chỉ dựa vào trình bày của một bên (bên cho vay) để nhận định hai vợ chồng bạn có vay tiền (và chưa trả) mà chia quyền.

Việc hai vợ chồng bạn đến phiên Tòa sẽ giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chính mình. Tránh việc, khoản nợ của bạn bị vợ chồng chị của bạn trình bày là chưa trả, hạn chế những rắc rối về sau.

Trường hợp này, hai vợ chồng bạn được coi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyết ly hôn. Căn cứ Khoản 4 và Khoản 6 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự:

Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

… 4.Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. …

6.Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.

Ngoài ra, trong trường hợp bạn có nhận được giấy triệu tập thì bạn có nghĩa vụ phải có mặt tại phiên tòa theo như nội dung Giấy triệu tập. Trong trường hợp hai vợ chồng bạn không thể đến được đúng thời gian ghi trong Giấy triệu tập thì hai bạn có thể ủy quyền tham gia tố tụng cho một người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc làm đơn yêu cầu tạm hoãn phiên tòa (trường hợp này phải có lý do chính đáng thì mới được Tòa án chấp nhận).

Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn nên có mặt hoặc ít nhất là ủy quyền cho một người đáng tin tham gia phiên tòa. Hơn nữa, do đã có Giấy triệu tập nên việc bạn có thể hiện ý chí ở phiên tòa hoàn toàn là yêu cầu bắt buộc để phiên tòa diễn ra thuận lợi.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com