Bị ép ký giấy khống khoản nợ thì xử lý thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Bị ép ký giấy khống khoản nợ thì xử lý thế nào

Em cần tư vấn ạ, kể ra xin mọi người đừng cười, và mong nhận được sự tư vấn của các luật sư cũng như mọi người ạ.

Em và bạn gái đang có con nhỏ < 12 tháng tuổi, chúng em chưa kết hôn do bạn gái chưa hoàn tất thủ tục ly hôn, hiện đang ở cùng một nhà. Cô ấy đã dùng zalo và và tài khoản ngân hàng của em mời một người bạn (C) góp tiền cùng buôn đồ điện tử, với nội dung trao đổi là: em lo nguồn hàng còn C lo vốn, lãi thì chia nhau. C đã chuyển tổng cộng gần 51 triệu vào tài khoản của em và hơn 3 triệu đưa tay cho em chỉ trong tháng 10/2018, sau đó bạn gái em rút ra 3 triệu đưa cho C có việc riêng, tất cả những trao đổi đó đều được lưu trên zalo của C, còn zalo của em thì bạn gái đã xóa vì sợ em biết. Bạn gái bảo mỗi lần chỉ vay C 3-5 triệu rồi trả lại, em tin tưởng nên không kiểm tra tiền trong tài khoản (em không đăng ký SMS banking), thẻ ATM thì bạn gái có thể sử dụng vì em để ở nhà. Số tiền còn lại bạn gái đã tiêu cá nhân hết.
Bây giờ C đe dọa sẽ kiện em ra tòa vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (do zalo trao đổi và tài khoản đều là của em) và việc em và bạn gái có con chung trong khi chưa ly hôn xong, C dùng lời đe dọa đó để bắt bạn gái em viết giấy nợ tiền tổng sô 264 triệu đồng + ký tên + lăn tay + em làm chứng + ông D (bồ của C, đã có gia đình) làm chứng, và em phải viết giấy nợ tổng số tiền chuyển vào tài khoản + tiền cầm tay + hai khoản khác mà em chưa rõ (nghi là lãi) tổng cộng 65 triệu đồng + em ký + ông D làm chứng. C nói 246 triệu là số tiền bạn gái em vay. Sau đó em có hỏi lại bạn gái em thì được biết số tiền 264 triệu đó là C tính lãi vào rồi bắt viết, trong khi sổ sách ghi chép các khản vay không có chữ ký của bạn gái em, tất cả đều do C ghi ra. Trước đó thì bạn gái em dấu em có vay tiền của C mấy lần, và những lần cho người khác bốc họ – đáo hạn nữa nên bạn gái em không nhớ rõ số tiền đã cầm là bao nhiêu, chỉ ước tính khoảng 80-90 triệu, và bạn gái em cũng không ghi lại các khoản đó. Sau khi bạn gái em báo vỡ nợ với C thì đã đóng tiền lãi 1 tháng cho C là 9 triệu, có ký tên. Những việc này xảy ra trước khi có vụ làm ăn trên zalo phía trên.

Do chúng em thiếu kiến thức về pháp luật và lo sợ sự việc ra công an (C có mời công an phường đến bảo viết giấy đi thì không phải ra phường, em nghe ngóng được đó là người ông D quen) nên chúng em đã buộc phải ký giấy vay nợ và không dám thắc mắc khoản 264 triệu đó, em có ám chỉ sao lại lên tới 264 triẹu thì cả C và ông D đều không trả lời được rõ ràng hay mang sổ sách đối chiếu mà chỉ trả lời cho qua là “Bây giờ hỏi thế thì biết làm sao được”, tiếc là em không ghi âm được cuộc nói chuyện hôm đó. Hiện tại chúng em chỉ có khả năng thanh toán dần hàng tháng khoản nợ của em (me là lao động chính, bạn gái ở nhà chăm con) và không có khả năng thanh toán khoản nợ của bạn gái em (thời hạn trong giấy vay nợ là tháng 4/2019 phải trả), nên em lo rằng đến lúc đó sẽ phải ra tòa và bạn gái sẽ phải vào tù, không ai chăm con gái (gia đình hai bên đều sẽ không giúp chúng em).

Mọi người tư vấn giúp em các vấn đề sau:
1.Hành vi của bạn gái em (dùng zalo và tài khoản ngân hàng của em) để trao đổi và nhận tiền (tuy bạn gái em hứa sẽ trả nhưng không có tiền để trả ngay lúc này) có phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Trách nhiệm của em trong sự việc này là gì? Nếu C lật mặt và kiện em ra tòa thì tôi có bị định tội không?
2.Hành vi của C và ông D có đúng với pháp luật hay không (đóng cửa bảo chúng em viết giấy nếu không phải đi tù)? Và làm thế nào để xác minh rõ chính xác số tiền bạn gái em đã vay của C.
3.Nếu phải ra tòa thì chúng em có thuận lợi và bất lợi gì, và bạn gái em có thể tránh phải vào tù hay không. Điều quan trọng nhất với em bây giờ là bạn gái em có thể chăm con để em đi làm trả nợ dần, mấy tháng nữa sẽ gửi trẻ để cả 2 cùng đi làm trả nợ. Hiện tại em đang lo để trả hết khoản nợ của em trước nhất đẻ tránh bị đe dọa ra công an.
4.Chi phí thuê luật sư bào chữa cho bạn gái em nếu phải ra tòa sau khi em trả xong nợ hoặc cho chúng em nếu C lật mặt là khoảng bao nhiêu? Hiện tại chúng em không có tiền mặt, lương em 10tr/tháng chỉ đủ chi tiêu và trả nợ (em đi học muộn và mới ra trường đi làm, trước đó bạn gái em ly thân tay trắng và cũng có nợ phải trả, hiện tại vẫn chưa trả xong), nhưng sau khi ly hôn thì bạn gái em sẽ được chia tài sản nhà đất 1 khoản cũng khá, lúc đó chúng em mới có tiền trả luật sư.
5.Giờ em phải làm gì để chuẩn bị cũng như phòng bị cho các việc có thể xảy ra trong tương lai. Em lo rằng đến hạn mà chưa trả được thì C sẽ thuê xã hội đen đến đòi hoặc ép viết giấy với số tiền còn lớn hơn nữa hoặc kiện ta tòa

 Đến đây chắc mọi người sẽ thắc mắc bạn gái em làm gì với số tiền đó, em cũng tra hỏi và xin phép được giữ kín, chung quy lại cũng vì có nợ phải trả nên cô ấy đôi lúc đã liều.
Và quan điểm của em là có nợ thì phải trả, em sẵn sàng trả hết nếu như C tạo điều kiện cho em trả dần, và trên hết là em không muốn con mình phải bị bơ vơ cũng như suốt đời phải sống chui lủi.

Nếu có ai đồng ý giúp chúng em, chúng em sẽ rất biết ơn và hậu tạ.
Cảm ơn tất cả mọi người đã đọc bài của em!


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 21/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi bị ép ký giấy vay nợ

  • Bộ luật dân sự năm 2015
  • Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

3./ Luật sư trả lời Bị ép ký giấy khống khoản nợ thì xử lý thế nào

Theo quy định của pháp luật dân sự thì giao dịch dân sự nói chung cũng như hợp đồng vay tài sản (tiền) nói riêng đều phải được xác lập trên sự tự do, tự nguyện, thiện chí của các bên. Việc xác lập giao dịch dân sự do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép là căn cứ để giao dịch dân sự đó vô hiệu. Còn việc một bên vi phạm nghĩa vụ trả nợ do không có khả năng trả đúng theo thỏa thuận, không có hành vi chiếm đoạt tài sản không phải là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền khởi tố hình sự người có hành vi. Tuy nhiên, bên cho vay hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.

Đầu tiên, hành vi của bạn gái của bạn theo như thông tin bạn cung cấp chưa đủ các cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ Điều 174 Bộ luật hình sự:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1.Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a)Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b)Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; …

Khi bạn gái của bạn nhìn nhận khoản nợ trên, không có hành vi bỏ trốn hay cố tình không trả nợ mặc dù có điều kiện trả thì hành vi của bạn gái bạn, mặc dù có yếu tố lừa dối cũng không cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu bạn gái của bạn sử dụng số tiền vay trên vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả khoản tiền vay thì bạn gái của bạn vẫn có thể bị kết tội “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự).

Ngoài ra, bạn cần chú ý, nhận định trên phải do chủ thể có thẩm quyền nhận định, không phải chỉ dựa vào lời nói của một bên. Và nếu có thể thì hai bạn nên thu thập các loại tài liệu, chứng cứ giúp chứng minh sự thật khách quan để cung cấp cho cơ quan điều tra, đây có thể là nguồn chứng cứ/ chứng cứ giúp chứng minh sự thật khách quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hai bạn.

Còn về trách nhiệm của bạn trong vụ việc trên. Nếu bạn không biết hành vi vay nợ của bạn gái khi người này thực hiện hành vi thì bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm gì về việc bạn gái mình vay nợ (bạn cần chứng minh được việc bạn không biết). Nếu bạn biết về hành vi trên, đồng ý (không phản đối) cho bạn gái bạn dùng danh nghĩa của bạn để mượn tiền C thì bạn có trách nhiệm trả số nợ trên. Nếu bạn gái của bạn phải chịu trách nhiệm về hành vi trên thì bạn còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội với bạn gái. Vai trò của bạn trong trường hợp đó là đồng phạm (bạn biết bạn gái của bạn sử dụng danh nghĩa của bạn để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của C, tức là bạn chấp nhận hậu quả của hành vi trên nếu nó xảy ra).

Thứ hai, về hành vi của C và D trong trường hợp trên là hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật. Trước không nói đến việc số tiền nợ trên có đúng hay không, chỉ riêng việc C và D dùng những lý do và có những hành vi gây uy hiếp về tinh thần cho hai bạn, buộc hai bạn phải viết giấy vay nợ đã đủ để hai bạn yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng trên là vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Căn cứ Điều 127 Bộ luật dân sự:

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

Tuy nhiên, hai bạn cần phải có chứng cứ chứng minh việc hai bạn lập hợp đồng vay với số tiền 264 triệu đồng là do có sự đe dọa của C và D. Và hợp đồng vay trên cũng chỉ vô hiệu khi Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tùy vào số tiền chênh lệch giữa khoản nợ thực tế và số tiền 264 triệu trên mà C và D có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc xác định này căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Việc xác minh số tiền mà bạn gái của bạn đã mượn. Hai bạn có thể yêu cầu C cho xem những bằng chứng chứng minh số nợ trên. Hoặc đề nghị Ngân hàng phát hành thể ATM của bạn cho xem những giao dịch mà bạn đã xác lập từ thời điểm nhất định để căn cứ vào đó xác định số tiền đã vay qua thẻ ATM. Tuy nhiên, trong trường hợp này, số tiền vay cũng chỉ được tính tương đối, sẽ không chính xác 100% do hai bên còn có giao dịch ngoài thực tế.

Nhưng, khi C khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bạn gái của bạn trả nợ thì số nợ sẽ được xác định trên những chứng cứ mà C đưa ra. Nếu không đồng ý với khoản nợ đó, bạn có thể sử dụng những tài liệu, chứng cứ khác chứng minh việc khoản nợ đó là sai. Tòa án sẽ nhìn nhận dựa trên những chứng cứ mà các bên đưa ra để xác định số nợ yêu cầu bên vay trả.

Thứ ba, về việc điều tra của chủ thể có thẩm quyền. Bước đầu, khi nhận được đơn tố cáo của C, chủ thể điều tra ban đầu là công an xã. Chủ thể này sẽ tiến hành xác minh, điều tra xem vụ việc của hai bạn cùng C và D có yếu tố hình sự hay không để quyết định chuyển vụ án lên cho cơ quan điều tra (khi có yếu tố hình sự) hoặc yêu cầu hai bên tự giải quyết/ qua Tòa dân sự (khi không có yếu tố hình sự). Việc hai bạn có phải đi tù hay không thì tùy thuộc vào nhận định của Tòa án hình sự.

Nói cách khác, việc C tố cáo hành vi của bạn gái bạn ra công an không phải là yếu tố chắc chắn bạn gái đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự hay đi tù. Mà việc này còn tùy thuộc vào kết quả điều tra, nhận định của các chủ thể có thẩm quyền.

Việc bất lợi của hai bạn trong vụ việc này là bạn gái bạn đã xóa hết những tin nhắn về việc vay tiền. Nói cách khác, việc chứng minh số tiền trên sẽ được dựa trên những tin nhắn zalo cùng những tài liệu, chứng cứ khác mà C cung cấp, việc này có thể sẽ làm số tiền đã vay tăng lên do không được trừ những khoản tiền mà bạn gái bạn đã “tạm ứng” cho C.

Còn về chi phí thuê luật sư bào chữa. Đây là dịch vụ của các luật sư, văn phòng luật,… cung cấp. Do vậy, mỗi luật sư, văn phòng luật sẽ có một mức giá khác nhau, không bị bó buộc ở một mức giá nhất định. Bạn có thể thỏa thuận với bên cung cấp dịch vụ bào chữa để có mức giá hợp lý.

Theo những thông tin bạn cung cấp thì để tránh những bất lợi trong tương lai, bạn cần thực hiện các hành vi xung quanh việc vay hay trả nợ sao cho sau này có căn cứ chứng minh việc đó. Như việc gửi tiền qua Ngân hàng để trả nợ (bạn có bill để chứng minh), hay việc ghi âm các cuộc hội thoại giữa hai bên về việc bạn cùng bạn gái thừa nhận nợ trước C và có nhu cầu trả dần mà không phải không trả,…

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần thu thập chứng cứ chứng minh việc hai bạn ký hợp đồng vay với tổng số tiền là 264 triệu đồng là do bị đe dọa về tinh thần, sau đó gửi hồ sơ yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng trên là vô hiệu để không phải chi trả khoản tiền không có thực trên. Thỏa thuận với C về việc trả nợ. Thu thập các chứng cứ chứng minh việc bạn đã trả, đang trả và sẽ trả dần số tiền nợ mà bạn gái đã vay, không hề có hành vi trốn nợ, chiếm đoạt tài sản.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com