Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Thoả thuận hạn chế cạnh tranh
Luật sư Tư vấn Luật Cạnh tranh – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 11 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Thoả thuận hạn chế cạnh tranh
- Luật Cạnh tranh năm 2004
- Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cạnh tranh
3./ Luật sư tư vấn
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là một trong số những hành vi hạn chế cạnh tranh được Luật cạnh tranh điều chỉnh. Luật cạnh tranh không định nghĩa về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhưng dựa trên khái niệm hành vi hạn chế cạnh tranh có thể hiểu thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là thỏa thuận giữa hai hay nhiều chủ thể kinh doanh trên thị trường hướng tới hoặc có tác động làm giảm, làm sai lệch hay cản trở hoạt động cạnh tranh bình thường trên thị trường. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh được pháp luật quy định như sau:
Căn cứ Điều 8 Luật cạnh tranh được hướng dẫn bởi Nghị định 116/2005/NĐ-CP thì các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:
-Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp: Là việc thống nhất cùng hành động dưới một trong các hình thức sau:
+Áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng.
+Tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể.
+Áp dụng công thức tính giá chung.
+Duy trì tỷ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan.
+Không chiết khấu giá hoặc áp dụng mức chiết khấu giá thống nhất.
+Dành hạn mức tín dụng cho khách hàng.
+Không giảm giá nếu không thông báo cho các thành viên khác của thoả thuận.
+Sử dụng mức giá thống nhất tại thời điểm các cuộc đàm phán về giá bắt đầu.
-Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Trong đó:
+Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ là việc thống nhất về số lượng hàng hóa, dịch vụ; địa điểm mua, bán hàng hóa, dịch vụ; nhóm khách hàng đối với mỗi bên tham gia thỏa thuận.
+Thoả thuận phân chia nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ là việc thống nhất mỗi bên tham gia thỏa thuận chỉ được mua hàng hóa, dịch vụ từ một hoặc một số nguồn cung cấp nhất định.
-Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ. Trong đó:
+Thoả thuận hạn chế số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc thống nhất cắt, giảm số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trên thị trường liên quan so với trước đó.
+Thoả thuận kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ là việc thống nhất ấn định số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ ở mức đủ để tạo sự khan hiếm trên thị trường.
-Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư. Trong đó:
+Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ là việc thống nhất mua sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp để tiêu hủy hoặc không sử dụng.
+Thoả thuận hạn chế đầu tư là việc thống nhất không đưa thêm vốn để mở rộng sản xuất, cải tiến chất lượng hàng hóa, dịch vụ hoặc để mở rộng phát triển khác.
-Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ, hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng. Trong đó:
+Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ là việc thống nhất đặt một hoặc một số điều kiện tiên quyết về: Hạn chế về sản xuất, phân phối hàng hoá khác; mua, cung ứng dịch vụ khác không liên quan trực tiếp đến cam kết của bên nhận đại lý theo quy định của pháp luật về đại lý; Hoặc hạn chế về địa điểm bán lại hàng hóa, trừ những hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; Hoặc hạn chế về khách hàng mua hàng hóa để bán lại, trừ những hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật; Hoặc hạn chế về hình thức, số lượng hàng hoá được cung cấp trước khi ký kết hợp đồng.
+Thoả thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng là việc thống nhất ràng buộc doanh nghiệp khác khi mua, bán hàng hoá, dịch vụ với bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia thoả thuận phải mua hàng hoá, dịch vụ khác từ nhà cung cấp hoặc người được chỉ định trước hoặc thực hiện thêm một hoặc một số nghĩa vụ nằm ngoài phạm vi cần thiết để thực hiện hợp đồng.
-Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh gồm:
+ Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường là việc thống nhất không giao dịch với doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận hoặc cùng hành động dưới một trong các hình thức: Yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không mua, bán hàng hoá, không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận; Hoặc mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận không thể tham gia thị trường liên quan.
+Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác phát triển kinh doanh là việc thống nhất không giao dịch với doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận hoặc cùng hành động dưới một trong các hình thức: Yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ các nhà phân phối, các nhà bán lẻ đang giao dịch với mình phân biệt đối xử khi mua, bán hàng hóa của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận theo hướng gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp này; Hoặc mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận không thể mở rộng thêm quy mô kinh doanh.
-Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận: Là việc thống nhất không giao dịch với doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận và cùng hành động dưới hình thức thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hành động dưới hình thức yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không mua, bán hàng hóa, không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận; Hoặc thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác phát triển kinh doanh; Hoặc mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận phải rút lui khỏi thị trường liên quan.
-Thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ: Là việc thống nhất cùng hành động trong đấu thầu dưới một trong các hình thức theo luật định.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có những loại thỏa thuận trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Thoả thuận hạn chế cạnh tranh, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.