Câu hỏi của khách hàng: Sản xuất, tàng trữ, buôn bán pháo khói (Bomb Smoke) có phạm luật không
Xin phép! Chào các luật sư!
Chả là em có ông em dạo này chuyển sang mua bán Pháo khói (Bom khói – Bomb smoke), cả gia đình can ngăn như cu cậu vẫn cứ tiếp tục vì các cụ nhà em cứ nghe thấy pháo là lo phạm luật của Nhà nước rồi. Nhưng như em tìm hiểu thì pháo khói này được mua bán khá nhiều và công khai, đặc biệt với đội chụp ảnh. Vậy các cụ, các mợ cho em hỏi:
Sản xuất, tàng trữ, buôn bán pháo khói (Bomb Smoke) có phạm luật không ạ? Nếu có thì theo điều nào và có chế tài như thế nào ạ?
Em rất cần tư vấn, vì điều này liên quan đến luật pháp. Nếu cần tư vấn trả phí cũng được ạ.Em cám ơn các luật sư
Luật sư Tư vấn Luật xử lý vi phạm hành chính – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 27/09/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Mua bán pháo khói là hành vi hợp pháp hay không
- Nghị định số 36/2009 NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo
- Thông tư 08/2010/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP
3./ Luật sư trả lời Sản xuất, tàng trữ, buôn bán pháo khói (Bomb Smoke) có phạm luật không
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì “pháo khói (hay bom khói- Bomb smoke)” không phải là một loại hàng hóa bị cấm hay hạn chế sử dụng. Còn về việc mua bán pháo khói, pháp luật có quy định sau:
Tại Điều 5 Nghị định số 36/2009 NĐ-CP có quy định các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng gồm có:
“1. Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
2. Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.
3. Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.
4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.”
Pháo khói được xếp vào loại “các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ”, do đó, pháo khói là loại sản phẩm được phép sử dụng theo quy định, là loại sản phẩm được phép mua bán.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 08/2010/TT-BCA thì việc quản lý pháo khói được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
Tuy nhiên, nếu bạn bán pháo khói thì bạn cũng cần tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Tóm lại, em bạn được phép mua bán pháo khói vì pháo khói không thuộc loại pháo bị cấm, tuy nhiên, trong quá trình mua bán cũng cần đảm bảo các điều kiện về an toàn vì đây là sản phẩm dễ cháy để tránh ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.