Rào đất nhà mình lại không cho hàng xóm đi qua có đúng luật không

Câu hỏi của khách hàng: Rào đất nhà mình lại không cho hàng xóm đi qua có đúng luật không

Xin chào Hội Luật sư, em có việc này mong cả nhà tư vấn giùm: Em và nhà kế bên (bà con chú Bác) có chuyện xích mích vì cất nhà và xe tải đi ngang đường nhà em, em nói mà còn chửi rủa em. Em muốn rào đất lại và không cho đi ngang đất nhà em nữa. Em muốn hỏi anh chị, em rào đất vậy có đúng Luật không. Mong anh chị tư vấn giùm, em xin cám ơn.


Luật sư Tư vấn Luật Đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 29/09/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền hạn chế đối với bất động sản liền kề

  • Luật đất đai năm 2013
  • Bộ luật Dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Rào đất nhà mình lại không cho hàng xóm đi qua có đúng luật không

Bạn và nhà kế bên có xích mích vì cất nhà và xe tải đi ngang qua đường nhà bạn. Giờ bạn muốn rào đất lại không cho đi ngang qua đất nhà bạn. Thông tin bạn cung cấp không được rõ, người bác của bạn đi qua phần ngõ/đường (thuộc sở hữu chung, công cộng) trước nhà bạn hay đi vào phần đất thuộc quyền sử dụng tư của nhà bạn.

Trong trường hợp xe tải đi qua phần đường chung (đường xã hội) thì việc bạn rào lại là đang gây cản trở giao thông, trái pháp luật.

Còn trong trường hợp xe tải đi vào phần đất thuộc quyền sử dụng tư của bạn thì có hai trường hơp:

– Trường hợp 1: Phần đất đó là lối đi duy nhất để người bác của bạn có thể đi vào nhà của mình thì việc bạn rào chắn như vậy là trái pháp luật. Căn cứ Điều 171 Luật đất đai về Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề quy định như sau:

“1.Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

2.Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này.

Điều 254 Bộ Luật dân sự về Quyền về lối đi qua:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. …”

Theo đó thì bạn phải để 1 phần đất để bác đi qua sao cho hợp lý trên sự thỏa thuận đôi bên và được quyền hưởng đền bù cho phần đất động sản đó. Nói cách khác, bạn không được quyền rào hết số đất của gia đình theo như trong sổ đỏ của gia đình nếu bác kia không còn lối đi nào khác. Nếu như có tranh chấp xảy ra thì các bên có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lối đi chung theo quy định.

– Trường hợp 2: Lối đi đó không phải lối đi duy nhất mà chỉ là để thuận tiện cho việc xe tải qua thì bạn có quyền rào chắn trên phần đất thuộc quyền sở hữu của mình sao cho hợp lý mà không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên nếu việc xây rào chắn đó là rào chắn trên ranh giới phần đất nhà bạn và phần đất của chủ sở hữu liền kề thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu đó và đôi bên có quyền thỏa thuận chi phí xây dựng.

Căn cứ Điều 176  Bộ luật dân sự về Mốc giới ngăn cách các bất động sản quy định như sau:

“1.Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

2.Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ. …”

Như vậy, những chi tiết bạn đưa ra chưa đủ để khẳng định việc xây rào chắn của bạn là đúng hay sai. Nhưng mặc nhiên bạn sẽ được xây rào chắn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình trừ trường hợp phần đất đó thuộc lối đi duy nhất của các hộ liền kề.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com