Cách làm việc để yêu cầu bồi thường trong vụ tai nạn giao thông

Câu hỏi của khách hàng: Cách làm việc để yêu cầu bồi thường trong vụ tai nạn giao thông

Anh, Chị vui lòng cho em hỏi một chút thông tin và mong được giúp đỡ về cách làm việc với công an giao thông & người gây tai nạn (nhà em là người bị tai nạn) và chuyện yêu cầu bồi thường với bên gây tai nạn được không ạ…

Tai nạn xảy ra tại Biên Hòa (gần KCN AMATA) hiện xe và giấy tờ xe của bên gây tai nạn đang bị giữ tại CA Biên Hòa, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng bên gây tai nạn chỉ chi trả tiền viện phí chứ không có ý nói đến chuyện bồi thường (người nhà em bị gãy xương đùi & gãy xương vai + chấn thương đầu), khi nhà em nói đến chuyện bồi thường thỏa đáng thì bên gây tai nạn không liên lạc gì nữa

Mới đây công an giao thông Biên Hòa có gọi điện thoại trực tiếp cho em hỏi thông tin và hẹn ngày 26/10/2018 lên CA Biên Hòa để trao đổi trực tiếp cũng như yêu cầu xử lý cho xong sớm việc này để bên gây tai nạn lấy xe ra sớm…

Hiện gia đình em rất hoang mang và không biết xử lý những bước tiếp theo như thế nào, nên mong các Anh, Chị luật sư hỗ trợ và giúp đỡ cho em xử lý trường hợp này và đề nghị bên gây tai nạn bồi thường cho thỏa đáng ạ

Về chi phí xử lý Anh, Chị vui lòng inbox cho em giúp ạ.

Cảm ơn tất cả mọi người đã đọc tin


Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 05/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Cách làm việc để yêu cầu bồi thường trong vụ tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra một cách bất ngờ, ngoài ý muốn chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông khi đang di chuyển trên đường giao thông, do vi phạm các quy tắc an toàn giao thông hay do gặp những tình huống, sự cố đột xuất không kịp phòng tránh, gây nên thiệt hại nhất định về người và tài sản. Một khi xảy ra tai nạn giao thông, việc xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ dựa trên yếu tố lỗi trong việc gây tai nạn.

Trong trường hợp bạn đưa ra, việc bồi thường thiệt hại của bên gây tai nạn giao thông sẽ không thuộc trách nhiệm quản lý của phía công an, do phía công an chỉ có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi có yếu tố sai phạm hành chính hoặc hình sự. Yếu tố “bên gây tai nạn thực hiện việc bồi thường thiệt hại mình gây ra” chỉ là một trong những yếu tố xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bên gây tai nạn.

Nói chính xác ra thì việc bồi thường thiệt hại giữa bên gây tai nạn và bên bị thiệt hại do vụ tai nạn là sự việc mang yếu tố dân sự. Căn cứ Chương XX Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì bên gây tai nạn mà không do lỗi hoàn toàn từ phía người bị thiệt hại hoặc bên thứ ba sẽ là chủ thể có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do tài sản, sức khỏe bị xâm phạm. Thiệt hại trong trường hợp này được xác định là cá thiệt hại do tài sản bị hủy họa, bị hư hỏng, do lợi ích gắn liền với việc khai thác, sử dụng tài sản bị mất, bị giảm sút, là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại, là chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại,…

Bên gây tai nạn và bên bị thiệt hại có quyền thỏa thuận với nhau về việc bồi thường thiệt hại trên, trong trường hợp không thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết, do “tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” là một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (theo quy định tại Khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự).

Để nâng cao khả năng đòi được bồi thường, bạn có thể chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc gây thiệt hại của bên gây tai nạn, liệt kê các thiệt hại, tính mức bồi thường mà mình yêu cầu bên gây tai nạn bồi thường,… và cung cấp cho Tòa án theo quy định.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bên gây tai nạn và bên bị thiệt hại có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com