Thủ tục kháng án giành quyền nuôi con

Thủ tục kháng án giành quyền nuôi con – Tư vấn đòi quyền nuôi con – Luật sư tư vấn: 1900.0191

Tòa án đưa ra một bản án mà bạn cho rằng không hợp lý, bạn muốn kháng cáo để giành quyền nuôi con, Luật sư sẽ hướng dẫn bạn cách để giành quyền nuôi con khi ly hôn hợp pháp.

Ly hôn gần như đã trở thành một xu hướng mới của giới trẻ để giải thoát bản thân khỏi những bó buộc gia đình, sự thiếu tôn trọng đến từ đối phương và đặc biệt là khi tình cảm đã hết. Nhưng hậu quả của việc ly hôn không chỉ giới hạn trong việc các tranh chấp về tài sản, mà giờ đây quyền được trực tiếp nuôi con cũng là một trong những tranh chấp phổ biến thường xuyên được đề cập và trở thành những phiên tòa vô cùng căng thẳng.

Khi ly hôn, quyền nuôi con được Tòa án quyết định dựa trên nhiều yếu tố như quyền nuôi con khi con dưới 36 tháng tuổi, quyền nuôi con khi con trên 36 tháng tuổi, các điều kiện về kinh tế, trình độ văn hóa, công việc, thời gian, môi trường. Tuy nhiên, dù đã xem xét rất kỹ lưỡng, nhưng không phải lúc nào phán quyết của tòa án cũng làm vừa lòng cả hai bên vợ chồng. Từ đó việc giành quyền nuôi con bắt đầu phát sinh!

Thời hạn để kháng án giành quyền nuôi con

Ngay sau khi Bản án được Tòa án tuyên, thì thời hạn để bạn có thể thay đổi những nội dung mà Bản án đó quyết định sẽ bắt đầu được tính ngay lập tức và kéo dài 15 ngày.

“Điều 273. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.”

Nếu người muốn kháng cáo quyền nuôi con có mặt tại phiên tòa ngày tuyên án hoặc vắng mặt không lý do thì thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nếu người kháng cáo không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Những người có quyền kháng cáo đòi quyền nuôi con

Người có quyền giành quyền nuôi con sau ly hôn là những đương sự tham gia phiên tòa như Nguyên đơn, Bị đơn, Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, hay chính là vợ, chồng và những người có liên quan đã được tòa liệt kê trong Bản án sơ thẩm.

“Điều 271. Người có quyền kháng cáo

Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.”

Đơn kháng cáo giành quyền nuôi con

Đơn kháng cáo quyền nuôi con có thể được viết dựa trên mẫu của Tòa án cung cấp hoặc tự soạn thảo nhưng cần phải có đầy đủ những ý chính theo quy định như sau:

“Điều 272. Đơn kháng cáo

1. Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo.

Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;

c) Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;

d) Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;

đ) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

2. Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Người kháng cáo quy định tại khoản 2 Điều này nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

4. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp kháng cáo thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

5. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

6. Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

7. Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này.

8. Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.”

Nơi gửi Đơn kháng cáo đòi quyền nuôi con sau khi ly hôn

Sau khi hoàn thành Đơn kháng cáo để giành lại quyền nuôi con sau ly hôn, người kháng cáo sẽ phải gửi đơn này tới Tòa án đã ra Bản án mà người đó cảm thấy không hợp lý.

Lưu ý, khi gửi Đơn kháng cáo cần kèm theo thêm những tài liệu chứng cứ bổ sung, để có thể chứng minh việc đòi quyền nuôi con của mình là hợp pháp và hợp lý, môi trường nuôi dưỡng sẽ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho con phát triển bình thường.

Kiểm tra tính hợp pháp của Đơn kháng cáo giành quyền nuôi con

Sau khi nhận được Đơn kháng án, Tòa án sẽ bắt đầu kiểm tra tính hợp lệ của Đơn này dựa theo quy định tại Điều 274 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015.

“Điều 274. Kiểm tra đơn kháng cáo

1. Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định tại Điều 272 của Bộ luật này.

2. Trường hợp đơn kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.

3. Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 272 của Bộ luật này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo.

4. Tòa án trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp sau đây:

a) Người kháng cáo không có quyền kháng cáo;

b) Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 3 Điều này.

c) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 276 của Bộ luật này.”

Nộp kháng án đòi quyền nuôi con quá hạn

Nếu vì một lý do nào đó, việc kháng án để tranh chấp về quyền nuôi con bị nộp chậm hơn so với thời hạn là 15 ngày, nó sẽ được xem xét theo thủ tục sau:

“Điều 275. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn

1. Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

3. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định.”

Án phí, lệ phí khi Đơn kháng cáo giành quyền nuôi con được chấp nhận

Sau khi xem xét tính hợp pháp của yêu cầu đòi quyền nuôi con là hợp lý, Tòa án sẽ yêu cầu người kháng án phải nộp án phí cho trình tự xét xử Phúc thẩm với mức phí là 300.000 đồng (Bằng chữ: Ba trăm nghìn đồng) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp án phí.

“Điều 276. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm

1. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.”

Thông báo về việc có kháng cáo giành quyền nuôi con cho các đương sự khác

Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo là hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ phải thông báo ngay bằng văn bản cho các đương sự có liên quan.

“Điều 277. Thông báo về việc kháng cáo

1. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo.

2. Đương sự có liên quan đến kháng cáo được thông báo về việc kháng cáo có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.”

Thay đổi Đơn kháng cáo giành quyền nuôi con đã nộp

Sau khi đã nộp đơn kháng cáo giành quyền nuôi con và đã được Tòa án chấp nhận, người kháng cáo vẫn có thể thay đổi, bổ sung bất kỳ nội dung nào về tranh chấp quyền nuôi con đã đề cập trong đơn này.

“Điều 284. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị

1. Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 của Bộ luật này thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.

Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 280 của Bộ luật này thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.

2. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.

3. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.

Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.

Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.

4. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị, thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.

Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.”

Sau khi kết thúc những thủ tục trên, việc tranh chấp giành quyền nuôi con sau ly hôn sẽ được Tòa án cấp Phúc thẩm giải quyết theo trình tự phúc thẩm được quy định tại Bộ luật tố tụng Dân sự 2015. Bản án của Tòa án cấp Phúc thẩm sẽ ngay lập tức có hiệu lực pháp lý và có giá trị áp dụng đối với tất cả đương sự.

Với những hướng dẫn trên đây Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách về thủ tục kháng án giành quyền nuôi con, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc muốn được hướng dẫn chi tiết hơn nữa, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để được chúng tôi hỗ trợ ngay lập tức.

Sự hài lòng của quý khách là nỗ lực của chúng tôi!

Trân trọng./.

Công ty Luật LVN – Luật sư Tư vấn trực tuyến – Gọi ngay 1900.0191

 


 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com