Phân tích Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

TỘI GIẾT NGƯỜI DO VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG (ĐIỀU 96)

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là cố ý tước đoạt tính mạng người đang có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác một cách không cần thiết

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

Việc xác định các dấu hiệu của tội phạm này nhất thiết phải căn cứ vào chế định phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự. Bởi lẽ không có phòng vệ chính đáng thì không có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Như vậy dấu hiệu quan trọng nhất của tội phạm này là “sự vượt quá cái giới hạn được coi là chính đáng”. Vì vậy, để xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì nhất thiết phải hiểu được thế nào là phòng vệ chính đáng ?

Phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự với nội dung: “ Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.” Luật hình sự của một số nước gọi là phòng vệ cần thiết (Điều 38 Bộ luật hình sự của liên bang Nga). Bộ luật hình sự năm 1999 đã không dùng thuật ngữ tương xứng mà thay vào đó là thuật ngữ cần thiết tuy không làm thay đổi bản chất của chế định phòng vệ chính đáng nhưng cũng làm cho việc vận dụng chế định này trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm có hiệu quả hơn.

Cho đến nay, đã có nhiều nhà khoa học, các cán bộ làm công tác thực tiễn quan tâm đến chế định phòng vệ chính đáng trong luật hình sự, nhiều bài viết đăng trên các tạp chí khoa học hoặc tạp chí chuyên ngành bàn về phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện chế định phòng vệ chính đáng; mặc dù Bộ luật hình sự năm 1985 đã được ban hành hơn 10 năm, nhưng chưa có giải thích chính thức nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chế định phòng vệ chính đáng. Do đó, vấn đề phòng vệ chính đáng trong luật hình sự cho đến nay vẫn là vấn đề nhiều người quan tâm và thực tiễn đấu tranh chống tội phạm nhiều trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau nên dẫn đến các quyết định khác nhau.

Tuy nhiên, qua việc tổng kết thực tiễn xét xử, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có Nghị quyết số 02/ HĐTP ngày 5-1-1986 hướng dẫn các Toà án các cấp áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, trong đó tại mục II của Thông tư có đề cập đến chế định phòng vệ chính đáng. Trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985, Toà án nhân dân tối cao cũng có chỉ thị số 07 ngày 22-12-1983 về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ. Tinh thần của chỉ thị số 07 theo chúng tôi vẫn còn phù hợp với quy định của Điều 15 Bộ luật hình sự và Nghị quyết số 02 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao với nội dung là: Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ các dấu hiệu sau dây:

– Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi tội phạm hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;

– Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;

– Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;

– Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe doạ gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.

Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xẩy ra sự việc v.v… Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là cần thiết thì đó là phòng vệ chính đáng.5

Tinh thần của chỉ thị số 07 và nghị quyết số 02 của Toà án nhân dân tối cao tuy chỉ là văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, nhưng qua thực tiến xét xử, các văn bản trên được sử dụng như là một văn bản giải thích chính thức của cơ quan Nhà nứơc có thẩm quyền về chế định phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, do còn hạn chế về nhiều mặt nên cả về lý luận cũng như thực tiễn xét xử các văn bản trên chưa quy định một cách đầy đủ những dấu hiệu của chế định phòng vệ chính đáng, nên thực tiễn xét xử có không ít trường hợp còn có nhận thức rất khác nhau về phòng vệ chính đáng. Ví dụ: Khi nói đến hành vi chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm, nhưng chưa nêu được căn cứ để xác định thể nào là cần thiết ? Các lợi ích bị xâm phạm theo Điều 15 Bộ luật hình sự bao gồm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của người phòng vệ và của người khác, nhưng bị xâm phạm trong trường hợp như thế nào thì hành vi chống trả được coi là phòng vệ, trường hợp nào thì không được coi là phòng vệ. Các công trình nghiên cứu của một số tác giả về chế định phòng vệ chính đáng cũng mới đề cập đến những khái niệm, những quy định của các văn bản hướng dẫn hoặc nêu một số vụ án mà Toà án các cấp đã xét xử người phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và từ đó rút ra kết luận, nhưng kết luận này không áp dụng cho tất cả các trường hợp, tính khái quát chưa cao.

Căn cứ vào quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và đặc biệt qua thực tiễn xét xử, chúng ta có thể nêu những điều kiện cần và đủ để một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng phải hội tụ đủ các yếu tố sau:

Về phía nạn nhân

Nạn nhân ( người bị chết hoặc bị thương tích) phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của các nhân người phòng vệ hoặc của người khác.

Đang có hành vi xâm phạm là hành vi đã bắt đầu và chưa kết thúc. Ví dụ: A đang cầm dao đuổi chém B hoặc C đang dí súng vào đầu Điều để buộc Điều phải đưa tài sản cho mình. Nếu hành vi chưa bắt đầu, thì mọi hành vi chống trả không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: Trần Tuấn Anh thấy Nguyễn Văn Hùng đi chơi với người yêu của mình nên nói với Hùng: “ Tao sẽ giết mày!” Mới nghe Tuấn Anh nói vậy, Hùng đã rút dao trong người ra đâm Tuấn Anh chết. Trường hợp hành vi xâm phạm đã kết thúc thì mọi hành vi chống trả cũng không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: A đánh B bị thương vào đầu, được mọi người can ngăn, A đã bỏ đi, nhưng do bực tức B đã lấy dao đuổi theo A đâm A chết. Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi xâm phạm này đã kết thúc, nhưng lại có tiếp hành vi khác của chính người đó xâm phạm đến lợi ích chính đáng cần bảo vệ thì cũng không coi là hành vi xâm phạm đã kết thúc và người có hành vi chống trả vẫn được coi là phòng vệ. Ví dụ: A đánh B nhưng B đỡ được, A biết không thể đánh nổi B nên chạy vào nhà B đánh mẹ của B đang bị bệnh nằm trên giường, nên B đã dùng một khúc gỗ vụt mạnh vào đầu A làm cho A ngất xỉu sau đó bị chết. Mặc dù hành vi tấn công của A đã kết thúc đối với B nhưng A lại có tiếp hành vi xâm phạm đến mẹ của B và để bảo vệ mẹ của mình nên B đã chống trả gây thiệt hại cho A nên hành vi của B cũng được coi là phòng vệ. Trường hợp phòng vệ này thường bị nhầm với trường hợp tội phạm do tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự , vì người bị tấn công không phải là người chống trả ( người có hành vi phòng vệ) mà là người khác ( người thứ ba). Tuy nhiên người thứ ba trong trường hợp phòng vệ có thể là người thân của mình, nhưng cũng có thể chỉ là một người không quen biết, còn trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, người bị xâm phạm chỉ có thể là người thân của người phạm tội. Trường hợp phòng vệ này càng dễ nhầm với trường hợp phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, vì người thứ ba trong trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là tình tiết giảm nhẹ có thể là người thân, nhưng cũng có thể là người không quen biết. Hành vi phòng vệ và hành vi được coi là bị kích động về tinh thần chỉ khác nhau ở tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm. Vì vậy, về phía nạn nhân trong trường hợp phòng vệ phải là người có hành vi xâm phạm có tính chất nguy hiểm đáng kể.

Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm (quan hệ xã hội cần bảo vệ). Nếu quan hệ xã hội cần bảo vệ càng quan trọng bao nhiêu thì tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm của nạn nhân càng nghiêm trọng bấy nhiêu. Ví dụ: Một người trèo tường để đột nhập vào nơi cất giữ tài liệu tối mật về an ninh quốc phòng được canh phòng cẩn thận, thì tính chất nghiêm trọng hơn nhiều so với người trèo tường vào một gia đình nông dân để trộm cấp tài sản.

Mức độ đáng kể của hành vi xâm phạm còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân ( người có hành vi xâm phạm). Ví dụ: Hành vi dùng súng để uy hiếp hành khách trên Tầu hoả của một tên cướp nguy hiểm hơn nhiều hành vi lén lút thò tay vào túi người khác để lấy trộm tiền.

Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm không đáng kể thì hành vi chống trả không được coi là phòng vệ. Ví dụ: A chỉ tát B một cái, B đã rút dao đâm chết A hoặc A chỉ thò tay vào túi của B để trộm cắp, B đã túm cổ áo A đấm tíu bụi cho đến chết, thì hành vi của B trong cả hai trường hợp này đều không được coi là hành vi phòng vệ.

Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật, nếu hành vi xâm phạm lại là hành vi mà pháp luật cho phép, thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ. Ví dụ: Một cảnh sát đuổi bắt một tên tội phạm nguy hiểm, người cảnh sát này đã bắn chỉ thiên, hô đứng lại, nhưng tên tội phạm vẫn cố tình chạy trốn, buộc người cảnh sát phải nổ súng bắn què tên tội phạm để bắt hắn. Nhưng khi người cảnh sát đến gần, hắn bất ngờ rút dao trong người ra đâm người cảnh cát trọng thương. Hành vi của tên tội phạm này không được coi là hành vi phòng vệ, vì hành vi của người cảnh sát được pháp luật cho phép. Hành vi trái pháp luật, trước hết là hành vi tội phạm và những hành vi khác trái với quy định của pháp luật thuộc các ngành luạt khác như: Luật hôn nhân và gia đình, luật dân sự, luật hành chính, luật kinh tế và các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, khi xét hành vi xâm phạm trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải xét trong mối tương quan với hành vi chống trả, không phải bất cứ hành vi tội phạm nào xảy ra, người có hành vi chống trả gây chết người hoặc gây thương tích cho người có hành vi xâm phạm đều là phòng vệ chính đáng. Ví dụ: A thò tay vào túi B để trộm cắp, nhưng B phát hiện được liền rút dao ra đâm A một nhát vào bụng làm A chết. Hành vi của B không được coi là phòng vệ chính đáng mặc dù hành vi xâm phạm của A là hành vi pham tội ( tội trộm cắp tài sản của công dân). Ngược lại, có những hành vi xâm phạm chưa phải là hành vi tội phạm, nhưng vì nó xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và của công dân nên hành vi chống trả vẫn được coi là phòng vệ chính đáng, Ví dụ: Một người trèo tường vào khu vực cấm định hái một ít hoa. Người chiến sĩ bảo vệ phát hiện đã hô đứng lại, bắn chỉ thiên để bắt người này, nhưng vì hoảng sợ nên vẫn bỏ chạy buộc chiến sỹ bảo vệ phải bắn vào chân người này làm họ bị gẫy chân. Sau khi bị bắt, mới biết người này trèo tường vào khu vực cấm chỉ là để hái hoa và không biết đây là khu vực quan trọng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Như vậy, khi xem xét hành vi của người đang xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ, không nhất thiết chỉ căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm mà phải chú ý đến lợi ích cần bảo vệ, đồng thời phải xét nó trong mối quan hệ với hành vi chống trả để xác định sự chống trả trong trường hợp cụ thể đó có được coi là phòng vệ chính đáng hay không ?

Pháp luật các nước nói chung cà nước ta nói riêng không coi hành vi tấn công của người mắc bệnh tâm thần là hành vi trái pháp luật, bởi vì người mắc bệnh tâm thần ( người điên ) họ không nhận thức được hành vi của họ là nguy hiểm cho xã hội nên họ không có lỗi. Tuy nhiên, nếu một người bị người mắc bệnh tâm thần tấn công, họ vẫn có quyền chống trả để bảo vệ mình, nhưng nếu còn có thể bỏ chạy mà không chạy lại chống trả gây thiệt hại cho người bị tâm thần thì không được coi là phòng vệ. Nhưng nếu bị người say rượu tấn công mình hoặc tấn công người khác thì hành vi gây thiệt hại cho người say rượu lại được coi là hành vi phòng vệ, vì người say rượu nếu xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ, theo pháp luật nước ta vần bị coi là hành vi trái pháp luật

Về phía người phòng vệ

Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm . Ví dụ: A đi làm về thấy hai tên thanh niên đang hãm hiếp con gái mình, tiện có chiếc cuốc trên tay, A đã dùng cuốc bổ vào đầu một tên làm cho tên này bị trọng thương. Hành vi của A được coi là hành vi phòng vệ trong trường hợp bảo vệ lợi ích chính đáng của người khác ( con gái) đang bị xâm phạm.

Nếu người phòng vệ không gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm mà gây thiệt hại cho người khác (thường là người thân của người có hành vi xâm phạm), thì không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: Trần Văn Q bị Phạm Thanh B đánh, nhưng Q không đánh B là lại đánh H (con của B) bị thương tích nặng. Hành vi của Q không được coi là hành vi phòng vệ.

Trường hợp người phòng vệ không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm mà lại gây thiệt hại khác, thì cũng không được coi là hành vi phòng vệ. Ví dụ: Hoàng Công Đ bị Trần Văn T dùng dao đuổi đánh, để ngăn chặn việc T đưổi đánh mình nên Đ đã dùng bật lửa đốt nhà của T. Hành vi của Đ không được coi là hành vi phòng vệ, vì Đ không gây thiệt hại đến tính mạng hay sức khỏe đối với T mà gây thiệt hại về tài sản của T.

Cũng không coi là phòng vệ chính đáng trong trường hợp người có hành vi xâm phạm gây thiệt hại đến tài sản của người khác, rồi người khác cũng gây thiệt hại lại cũng về tài sản cho người có hành vi xâm phạm. Ví dụ: Nguyễn Văn K ra thăm đồng thấy Bùi Quốc T đang nhổ lúa trên thửa ruộng nhà mình vì hai bên đang có tranh chấp về thửa rưộng này. K chạy về lấy dao ra chặt phá cây trong khu vườn của gia đình T. Hành vi của cả K và T là hành vi cố ý huỷ hoại tài sản của công dân, K không thể lấy lý do: “mày nhổ lúa nhà tao thì tao chặt cây nhà mày”

Hành vi chống trả phải là cần thiết.

Cần thiết không có nghĩa là bên xâm phạm gây thiệt hại như thế nào thì bên phòng vệ cũng chỉ được gây thiệt hại như thế, mà thiệt hại do người có hành vi phòng vệ có thể lớn hơn nhiều so với thiệt hại mà người có hành vi xâm hại gây nên.

Sự chống trả cần thiết trong phòng vệ chính đáng, trước hết phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm; tính chất của hành vi xâm phạm và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ.

Lợi ích bị xâm phạm càng quan trọng bao nhiêu, thì hành vi chống trả càng phải mạnh mẽ bấy nhiêu; Ví dụ: Một cảnh vệ nổ súng bắn chết một người đã đột nhập vào khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt theo một chế độ đặc biệt, thì hành vi của người bảo vệ được coi là cần thiết và là phòng vệ chính đáng. Nhưng cũng hành vi bắn chết người này lại trong trường hợp một học sinh vào trường hái trộm một ít nhãn và bị bảo vệ bắn chết thì lại không được coi là cần thiết và người bảo vệ đó không được coi là phòng vệ chính đáng. Vì vậy khi xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không phải đặt nó trong hoàn cảnh cụ thể trong mối quan hệ giữa lợi ích được bảo vệ và hành vi chống trả.

Tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm càng nguy hiểm và nghiêm trọng bao nhiêu thì hành vi chống trả càng phải quyết liệt bấy nhiêu. Ví dụ: một tên cướp dùng súng uy hiếp mọi người trên xe khách để đồng bọn của y lục soát lấy tài sản, đã bị một cảnh sát hình sự bắn chết. Hành vi của chiến sĩ cảnh sát này được coi là hành vi phòng vệ chính đáng. Nhưng nếu người cảnh sát mới thấy tên cướp giơ dao đe doạ mọi người phải đưa tiền cho y mà đã vội rút súng ra bắn chết ngay tên cướp thì chưa được coi là phòng vệ chính đáng.

Khi đánh giá một hành vi chống trả có cần thiết hay không còn phải căn cứ vào nhiều yếu tó khác như: mối tương quan lực lượng giữa bên xâm phạm và bên phòng vệ, thời gian, không gian xảy ra sự việc.Ví dụ: Trong đêm tối, A bị một số người gọi ra nơi vắng vẻ rồi dùng chân tay đấm đá túi bụi, A thấy thế phải bỏ chạy, nhưng vẫn bị số người này đuổi theo, sẵn có con dao nhọn trong túi, A lấy ra giơ lên doạ: “ thằng nào vào đây tao đâm chết!”. Những người đuổi theo vẫn lao vào để đánh A, liền bị A dùng dao đâm trúng tim một người chết ngay tại chỗ. Nếu xét về phương tiện, thì A dùng dao còn những người tấn công chỉ dùng chân tay không, nhưng nếu xét về mói tương quan lực lượng thì một bên chỉ có một mình A còn bên kia có nhiều người và đặc biệt xét trong hoàn cảnh cụ thể, trong đêm tối hành vi xâm phạm của những người này phải coi là nguy hiểm đến tính mạng sức khoẻ của A, nên hành vi của A được coi là phòng vệ chính đáng.

Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác. Phòng vệ chính đáng còn là quyền của con người chứ không chỉ là nghĩa vụ, nên không yêu cầu phương pháp phương tiện của người phòng vệ phải như phương pháp phương tiện mà kẻ tấn công sử dụng.

Tóm lại khi đánh giá hành vi chống trả có cần thiết hay không phải xem xét một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, trong đó đặc biệt là tâm lý, thái độ của người phòng vệ khi xảy ra sự việc, họ không có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn chính xác phương pháp, phương tiện thích hợp để chống trả nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ, chỉ coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi sự chống trả rõ ràng là quá đáng.

Cũng coi là phòng vệ chính đáng, nếu trong một hoàn cảnh cụ thể, một người tưởng lầm rằng người khác có hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hay của người khác mà họ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người đó. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp phòng vệ này là phòng vệ tưởng tượng.

Phòng vệ tưởng tượng là gây thiệt hại cho người khác do tưởng lầm rằng người này đang có hành vi xâm phạm nguy hiểm cho xã hội.

Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng chỉ được coi là không có lỗi khi hoàn cảnh cụ thể cho phép người đó tin một cách hợp lý là có sự xâm phạm thực sự và họ tin rằng là mình không bị nhầm, nếu đặt vào hoàn cảnh của người khác thì ai cũng sẽ bị nhầm như vậy. Ví dụ: Trong đêm tối, chị H đi gọi chồng ở xã bên về nhà có người cần gặp. Khi đi qua đoạn đường vắng, chị bị 3 tên ra chặn đường cướp của chị đôi hoa tai bằng vàng. Khi gặp chồng, chị kể cho anh nghe về việc chị vừa bị cướp. Chồng chị H mượn con dao rồi dùng xe đạp đưa vợ về. Khi đi qua đoạn đường mà chị H vừa bị cướp thì có 3 người từ trong bụi cây đi qua đường; thấy vợ chồng chị H họ đứng lại. Chị H nói với chồng: “ Đúng bọn này vừa cướp hoa tai rồi”. Chồng chị H xướng xe cầm dao lao vào 3 người chém túi bụi làm cho cả bản án sơ thẩm đều bị thương. Sau khi sự việc xảy ra mới biết 3 người này là tổ bảo bệ của Hợp tác xã vừa đi coi đồng về. Trong trường hợp này, hành động dừng lại giữa đường của 3 người trong hoàn cảnh cụ thể này làm cho vợ chồng chị H tin là bọn cướp và không chỉ có vợ chồng chị H mà ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ tin như vậy, nên được coi là phòng vệ tưởng tượng và không phải chịu trách nhiệm hình sự . Nếu sự lầm tưởng lại không có căn cứ và trong hoàn cảnh cụ thể đó mọi người đều không thể lầm tưởng thì người có hành vi xâm hại đến tính mạng sức khoẻ của người kác phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và hành vi của họ là hành vi tội phạm do cố ý. Ví dụ: Nguyễn Văn H đang dạo chơi trong Công viên có nhiều người qua lại, thấy một người đang ngồi ở ghế đá đứng dậy lững thững đi về phía mình mà không nói năng gì, H liền rút dao trong người ra đâm người này một nhát vào bụng làm người này ngã gục. Sau khi sự việc xảy ra H cho rằng tưởng người này đến cướp tài sản của mình, nhưng căn cứ vào hoàn cảnh thực tế lúc xảy ra sự việc thì trường hợp của H không phải là phòng vệ tưởng tượng, nên H phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Hiện nay, trong một số sách báo pháp lý,vấn đề phòng vệ tưởng tượng cũng còn có những quan điẻm khác nhau: Có quan điểm cho rằng phòng vệ tưởng tượng không phải là phòng vệ chính đáng, vì không có cơ sở của quyền phòng vệ, vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn được đặt ra và được giải quyết như mọi trường hợp sai lầm khác.6

Pháp luật Việt nam không thừa nhận hành vi phòng vệ trước ( phòng vệ từ xa ), tức là chưa có sự tấn công mà đã có hành vi nhằm ngăn chặn sự tấn công như: đấu giòng điện vào cánh cửa đề phòng trộm, dùng bẫy để dề phòng kẻ gian…Nếu việc phòng vệ trước này lại gây ra hậu quả làm chết người hoặc gây thương tích cho người khác thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các trường hợp tội phạm thông thường ( giết người hoặc cố ý gây thương tích). Tuy nhiên, thực tiễn xét xử nếu hành vi phòng vệ trước lại gây thiệt hại cho đúng kẻ phạm pháp thì người phạm tội cũng được chiếu cố giám nhẹ đáng kể. Ví dụ: Gia đình Trần Văn N thường xuyên bị mất trộm gà, N đã nhiều đêm thức trắng để phục bắt kẻ trộm nhưng không được, N bèn lấy một đoạn giây thép buộc vào cánh cửa chồng gà và cho dòng điện 220 Vol chay qua. Để bảo đảm an toàn cho những người trong gia đình mình, N dặn mọi người phải cẩn thận; trước khi đi ngủ mới được đấu điện vào và sáng thức dậy phải rút điện ra. đến đêm thứ 9 thì kẻ trộm vào và bị điện giật chết, trên tay kẻ trộm còn cầm một bao tải trong đựng 4 con gà. Mặc dù N bị truy cứu trách nhiệm hình sự vể tội giết người theo khoản 2 Điều 101 Bộ luật hình sự, nhưng Toà án chỉ phạt N 3 năm tù (dưới mức thấp nhất của khung hình phạt) nhưng vẫn được nhân dân đồng tình, thậm chí còn có ý kiến cho rằng không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với N vì kẻ bị chết là đáng đời, ai bảo đi ăn trộm. ở đây có vấn đề mâu thuẫn giữa ý thức pháp luật với hành vi nguy hiểm cho xã hội, cũng giống như trường hợp đánh chết kẻ trộm cắp khi bị bắt vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy chúng tôi vẫn thấy rằng các nhà làm luật cũng nên tính cả đến các yếu tố truyền thống, phong tục, tâm lý của người Việt nam trong trường hợp “ phòng vệ trước”. Pháp luật của một số nước kể cả các nước phát triển vẫn quy định trong một số trường hợp phòng vệ trước không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu ở nước ta không thừa nhận hành vi phòng vệ trước thì cũng nên quy định trong một số trường hợp tội phạm do phòng vệ trước được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một cách đáng kể. Phòng vệ trước cũng là trường hợp phòng vệ quá sớm, tức là chưa có hành vi tấn công đã có hành vi phòng vệ.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, nhưng nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Giới hạn của phòng vệ chính đáng chính là hành vi gây thiệt hại của người phạm tội  cần thiết với hành vi xâm phạm, nếu không cần thiết mà gây thiệt hại lớn hơn là vượt giới hạn phòng vệ chính đáng. Cần thiết hay không cần thiết, thiệt hại gây ra lớn hơn hay ngang bằng với hành vi xâm phạm không thể tính bằng phương pháp số học như 5 lớn hơn các số đứng trước nó và nhỏ hơn các số đứng sau nó, mà phải căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phòng vệ. Cần thiết càng không phải là ngang bằng theo kiểu A đấm B hai cái thì B cũng chỉ được đấm lại A hai cái, nếu đấm từ cái thứ ba trở đi là vượt quá; cần thiết cũng không có nghiẽa là A gây cho B thiệt hại như thế nào thì B cũng chỉ được gậy thiệt hại cho A như vậy. Bản thân việc phòng vệ chính đáng là ngăn chặn, đẩy lùi hành vi xâm phạm trái pháp luật của một người đối với mình hoặc đối với người khác. Sự vượt quá ở đây chính là sự vượt quá cái giới hạn mà pháp luật cho phép. Tuy nhiên trong thực tế, pháp luật không thể dự liệu hoặc liệt kê từng trường hợp cụ thể các giới hạn đó được mà phải tuỳ thuộc vào các yếu tố, các tình tiết thực tế khi xảy ra vụ án. Ví dụ: Trần Văn Đ là nhân viên bảo vệ cầu X. Cầu bị hỏng đang sửa chữa, đã có biển báo “cấm người qua lại”. Nguyễn Văn H đi qua cầu, Đ ngăn lại và bảo H xuống sông đi đò. H không nghe, gây gổ định đánh Đ, nhưng mọi người can ngăn nên H phải quay lại và đe doạ: “Tao sẽ giết mày”. H đi rồi, Đ sợ H sẽ quay lại đánh mình nên vào trong lán lấy con dao nhọn giấu vào lưng quần. Sau đó 20 phút, H cùng với em là P bơi thuyền đến, thuyền vừa cặp bờ, H nhảy lên đi thẳng đến chỗ Đ nói những lời thách thức và xông vào đấm Đ túi bụi. Đ bị dồn đánh lại nhìn thấy P ở dưới thuyền cầm dao chạy lên, Đ đã rút dao đam ra nhiều nhất vào bụng H rồi bỏ chạy. Do bị đâm thủng dạ dày, dập gan, vỡ lá lách nên H bị chết. Hành vi phòng vệ của Trần Văn Đ trong trường hợp này là không cần thiết với hành vi xâm phạm, vì trong lúc nạn nhân chỉ  tấn công Đ bằng tay, em của H tuy có cầm dao, nhưng còn đang ở dưới bờ sông cách xa Đ. Trong bối cảnh như vậy, Đ đã dùng dao đâm chết H là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Một người muốn được xác định là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trước hết phải thoả mãn các dấu hiệu và điều kiện của chế định phòng vệ chính đáng, chứ không thoả mãn điều kiện “cần thiết” giữa hành vi xâm phạm và hành vi phòng vệ.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý mà chủ yếu là lỗi cố ý gián tiếp – cố ý không xác định. Nếu vô ý làm chết người tấn công mình thì không phải là giết người do vượt quá giớ hạn phòng vệ chính đáng. Ví dụ: A đang cầm súng làm nhiệm vụ bảo vệ, thì bị B say rượu đánh. A không đánh lại vì biết B say rượu, nhưng trong lúc giằng co để B không đánh được mình nên đã vô ý để súng làm B bị chết.

Người bị chết phải là người đã có hành vi xâm phạm đến các lợi ích cần được bảo vệ. Nếu người có hành vi phòng vệ lại gây thiệt hại cho người thứ ba thì không phải giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà tuỳ thuộc vào từng trường hợp mà kết tội người phạm tội về tội giết người hoặc vô ý làm chết người. Ví dụ: A đánh B, nhưng vì B không đánh lại được A nên B giết con của A để đẩy lùi sự tấn công của A thì hành vi của B thuộc trường hợp giết người theo Điều 101 Bộ luật hình sự . Hoặc A dùng dao đuổi chém B, B bị vấp ngã, thấy A vẫn cầm daolao vào mình, B liền rút dao găm phóng lại phía A nhưng không trúng A mà trúng vào ngực C làm C chết tại chỗ, vì lúc đó C thấy A đuổi B nên chạy ra để ngăn cản hành vi của A nhưng không may lại trúng dao của B. Hành vi của B đối với C là vô ý làm chết người chứ không phải giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ có thể xảy ra khi người có hành vi xâm phạm (nạn nhân) bị chết. Nếu nạn nhân chỉ bị thương và có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 106 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích  do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Về chủ thể

Chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bởi vì tội này khoản 1 Điều 96 là tội ít nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt là 2 năm tù; khoản 2 Điều 96 là tội nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt là 5 năm năm tù, mà người dưới 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự).

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Giết một người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ( khoản 1 Điều 96)

Trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà giết chết một người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

Nếu giết chết một người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và còn gây thương tích cho một người với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên cũng do vượt quá giớ hạn phòng vệ chính đáng, thì người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 1 Điều 106 Bộ luật hình sự, nếu gây thương tích cho nhiều người và tất cả những người này đều do vướt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội”cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật hình sự.

Nếu có một người bị giết do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và có một hoặc nhiều người bị thương tích nhưng không do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo khoản 1 Điều 96, thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

  1. Giết nhiều người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ( khoản 2 Điều 96)

Giết nhiều người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là giết hai người trở lên và tấ cả những người bị giết đều do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Nếu có nhiều người chết, nhưng chỉ có một người bị giết do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự đối với người bị giết do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, còn những người khác tuỳ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể mà có thể bị truy cứu thêm tội “giết người ” theo Điều 93 Bộ luật hình sự, tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 95 Bộ luật hình sự, tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo Điều 97 Bộ luật hình sự hoặc tội “vô ý làm chết người” theo Điều 98 Bộ luật hình sự…

Nếu có nhiều người chết, nhưng chỉ có một người bị giết do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn những người khác bị giết là do phòng vệ chính đáng thì thuộc trường hợp giết một người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự .

Giết nhiều người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người phạm tội có thể bị phạt từ hai năm đến năm năm tù.

Khi xét xử vụ án giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, Toà án cần phân tích làm rõ hành vi trái pháp luật của nạn nhân, nhằm tránh tâm lý cho rằng giết người nhưng mức hình phạt lại rất nhẹ, kể cả trường hợp giết nhiều người hình phạt cao nhất cũng chỉ tới 5 năm, đồng thời giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người thấy được quyền phòng vệ chính đáng của mình khi bị người khác xâm phạm và giới hạn cho phép khi thực hiện quyền đó.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com