Nêu, phân tích những ví dụ cụ thể gắn với vấn đề phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật

Phân tích những ví dụ cụ thể gắn với vấn đề phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật.

I. Khái niệm

  1. Khái niệm chuần mực pháp luật

Chuẩn mực pháp luật là những quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, định hướng cho hành vi ứng xử của các cá nhân và các nhóm xã hội.­­[1,tr.244]

  1. Khái niệm sai lệch chuẩn mực pháp luật

Sai lệch chuẩn mực pháp luật là hành vi của một cá nhân hay nhóm xã hội nào đó thực hiện một hành vi vi phạm các nguyên tắc, quy định của chuẩn mực pháp luật (hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật). Dưới góc độ luật học, hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật chính là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có các dấu hiệu cơ bản: là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, có lỗi của chủ thể và chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý.[1,tr.244]

II. Phân loại hành vi sai lệch chuẩn mực pháp luật

  1. Căn cứ vào nội dung, tính chất của các chuẩn mực pháp luật bị xâm hại

Dựa vào căn cứ trên thì gồm có hành vi sai lệch tích cực và hành vi sai lệch tiêu cực.

Hành vi sai lệch tích cực là những hành vi (có thể là cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế xã hội hoặc không còn được nhà nước và xã hội thừa nhận.[1,tr.244]

Ví dụ, Từ ngày 26/3, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (100% vốn Đài Loan), có trụ sở tại quận Bình Tân, TP HCM, và một số doanh nghiệp ở Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc tập thể phản đối quy định tại Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2016).

Theo Điều 60, người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm… Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.[5]

Ở nước ta hiện nay, việc người dân xuống đường biểu tình chưa được hợp pháp hóa, vì vậy hành vi biểu tình đã vi phạm pháp luật, tuy nhiên cũng từ đó mà đã giúp nhà nước ta nhìn lại quy định của pháp luật có những bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đối thoại với công nhân, cam kết đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa Điều 60 theo hướng linh hoạt, cho phép lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc. Cụ thể, tại kỳ họp của Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nghị quyết về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội theo đúng tinh thần để người lao động lựa chọn nhận hưởng BHXH một lần đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mặc dù xuất phát từ hành vi sai lệch, nhưng người lao động đã giúp cho cơ quan chức năng phải nhìn nhận lại và coi trọng ý kiến của người lao động trong bảo vệ quyền lợi mà người lao động muốn hướng tới. Do đó, đây là một trường hợp hành vi sai lệch tích cực.

Hành vi sai lệch tiêu cực là những hành vi (cố ý hoặc vô ý) vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật hiện hành, có nội dung, tính chất phù hợp, tiến bộ, đang phổ biến, thịnh hành và được nhà nước, các cộng đồng người thừa nhận rộng rãi trong xã hội.[1,tr.245]

Ví dụ, Trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã xảy ra 6 vụ ném đá vào các phương tiện khi đang lưu thông trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đây là con số mà Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) vừa công bố. Theo báo cáo của VEC E thì hiện nay trên tuyến xuất hiện tình trạng ném đá vào xe đang lưu thông với tốc độ cao. Một số đối tượng tụ tập trên cầu vượt để ném xuống xe làm hư hỏng kính, gây nguy hiểm cho người trên xe.[6] Như vậy, hành vi ném đá vào các phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc như nói trên là hành vi gây nguy hiểm nghiêm trọng cho những người trên xe, và những người tham gia giao thông, hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 143 BLHS . Đây là một trong những trường hợp hành vi sai lệch tiêu cực, làm trái với những quy định của pháp luật với mục đích xấu, không đóng góp vào việc hoàn thiện bộ máy pháp.

  1. Căn cứ vào thái độ, tâm lí chủ quan của người thực hiện hành vi sai lệch

Dựa vào căn cứ trên thì gồm có hành vi sai lệch chủ động và hành vi sai lệch thụ động.

Hành vi sai lệch chủ động là hành vi có ý thức, có tính toán, cố ý (trực tiếp hay gián tiếp) vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật, dù chuẩn mực đó đã lạc hậu, lỗi thời hay còn đang tiến bộ, phù hợp.[1,tr.245]  Họ có thể nhận thức được yêu cầu của cộng đồng nhưng họ cứ hành động theo ý họ mặc dù biết không phù hợp.

Ví dụ, vào khoảng trung tuần tháng 4/2016, tại một lớp học của trường này, một nữ sinh mặc đồng phục của trường đã dùng tay đánh mạnh nhiều cái vào mặt một nữ sinh khác ngay trong lớp học.

Chứng kiến hành vi phản cảm đó, thay vì can ngăn, nhiều học sinh đứng nhìn, thậm chí có em dùng điện thoại di động ghi hình và sau đó phát tán trên mạng xã hội Facebook. Đoạn Clip dài khoảng trên 2 phút được tung lên mạng xã hội gây sốc cho nhiều người.

Theo lãnh đạo Trường THPT Đại Ngãi, sau khi phát hiện ra đoạn clip nói trên, nhà trường đã báo phối hợp với công an xác minh làm rõ và xác định nữ sinh đánh bạn là em N.N.Q, còn nữ sinh bị đánh là em P.T.T.N. Vụ việc xảy ra tại lớp 10A10 vào ngày 12/4. Một số em học sinh thấy đánh nhau nên quay clip rồi đưa lên mạng xã hội.

Sau khi xác định được học sinh đánh nhau, nhà trường đã mời phụ huynh của các em nói trên đến làm việc. Tại buổi gặp gỡ, nữ sinh N.N.Q thừa nhận mình đánh bạn là nhầm vì nghĩ bạn N có tình cảm yêu đương với người bạn trai cùng trường của mình.

Trước đó, trên facebook lan truyền một đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh lớp 10 đánh hàng chục bạt tay vào mặt một bạn nữ cùng lớp ngay tại phòng học trước mặt nhiều bạn khác trong lớp.[7] Hành vi trên đây là một hành vi sai lệch chủ động, vi phạm nghiêm trọng đạo đức học đường, đạo đức xã hội.

Đối với hành vi sai lệch này cần có sự giáo dục thường xuyên của cộng đồng để mọi người có trách nhiệm tôn trọng các chuẩn mực xã hội. Trường hợp cần thiết phải sử dụng biện pháp cưỡng chế và thậm chí áp dụng biện pháp trừng phạt. Để khắc phục hành vi sai lệch chủ động này cần phải có sự vận động tuyên truyền, giáo dục thường xuyên và rộng rãi, tạo dư luận lành mạnh của cộng đồng để mọi người hiểu và tôn trọng các chuẩn mực xã hội, tôn trọng pháp luật nhà nước. Hệ thống các chuẩn mực phải được củng cố và đảm bảo sức mạnh để điều chỉnh hành vi của cá nhân trong cộng đồng.

Hành vi sai lệch thụ động là hành vi vô ý, không mong muốn vi phạm, phá vỡ tính ổn định, sự tác động của các chuẩn mực pháp luật.[1,tr.245] Đặc trưng của loại hành vi sai lệch này là người sai lệch không biết hành vi của mình là sai lệch, nguyên nhân là do họ không nắm vững chuẩn mực hoặc do hiểu sai các chuẩn mực.

Ví dụ, “Dọ-tơm-amí” và “Joă ană” (chôn con theo mẹ và đạp cho chết) là 2 hủ tục hoang dã gây nên nhiều cái chết oan khốc cho trẻ sơ sinh. Khởi nguyên, tục “dọ tơm amí” chỉ quẩn quanh trong một số buôn làng của đồng bào Bana, Jơ rai, Jẻ Triêng, những sắc tộc bản địa đông đúc sinh sống lâu đời trên cao nguyên Gia Lai – Kon Tum, phía bắc Tây Nguyên. Nhưng sau đó, theo những nhóm người ly tán, giao thoa, tục “dọ tơm amí” lan nhiễm qua cả những cộng đồng Xêđăng, S’rá, và vài nhánh Ê đê ở những vùng nghèo khó nhất.

Theo hủ tục này, nếu người mẹ chẳng may chết khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải bị bỏ xuống huyệt chôn theo mẹ. Trẻ đã vài tuần, thậm chí đầy tháng tuổi mà mẹ ốm chết vì kiệt sức, hậu sản, thì đứa trẻ cũng bị chôn sống theo, hoặc bị vứt bỏ giữa bãi tha ma cho chết mòn, cho thú dữ ăn thịt.

Buôn làng càng thiếu thốn lạc hậu, hủ tục càng phổ biến vì đồng bào không biết cách nuôi dưỡng hài nhi thiếu sữa mẹ, luôn tin đứa bé đã làm cho mẹ chết cần phải theo mẹ về cõi ma mới mong được chăm sóc tốt hơn…[8] Do thiếu hiểu biết pháp luật, và các hủ tục lạc hậu đã làm cho những người dân trong cộng đồng dân tộc ít người trên thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật và các chuẩn mực pháp luật, chuẩn mực xã hội.

  1. Căn cứ vào nội dung, tính chất của các chuẩn mực pháp luật bị xâm hại và vào thái độ, tâm lí chủ quan của người thực hiện hành vi sai lệch

Dựa vào căn cứ trên thì chúng ta sẽ có thêm bốn loại hành vi sau đây:

– Hành vi sai lệch chủ động – tích cực là hành vi cố ý vi phạm, phá vỡ sự tác động của các chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội hiện tại.[1,tr.246]

Ví dụ, câu chuyện về bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đồng chí Kim Ngọc – cha đẻ của mô hình khoán. Ngày 10/09/1966, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ra nghị quyết về “Một số vấn đề quản lý lao động trong hợp tác xã hiện nay”. Theo nghị quyết này, đối với một số khâu trong quá trình canh tác mà xã viên có thể đảm nhiệm hiệu quả như cấy, chăm bón lúa (làm cỏ, bón phân, tát nước…) và thu hoạch, thì giao cho xã viên diện tích phải làm, kèm theo mức khoán số công điểm được ăn chia, sản lượng phải đạt và nộp cho hợp tác xã. Với cách làm như vậy, xã viên làm tốt, vượt mức khoán thì họ được hưởng lợi hoàn toàn, nên xã viên hăng hái, chăm chỉ tham gia sản xuất. Khả năng tự chủ của hộ gia đình lại được phát huy, mọi tiềm năng lao động lại được tận dụng.[9]

Ta có thể thấy, việc triển khai “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc không được sự đồng thuận, và bị coi là sự vượt rào. Theo Thông tri số 224-TT/TW ngày 12/12/1968 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về chấn chỉnh công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương” đã chấn chỉnh việc triển khai khoán hộ ở Vĩnh Phúc. Khoán hộ bị coi là buông lỏng quản lý, khoán trắng ruộng đất, khoán trồng trọt, khoán chăn nuôi, khoán cả công cụ sản xuất cho hộ dẫn đến tư hữu hoá tư liệu sản xuất, “trái với đường lối hợp tác hoá nông nghiệp của Đảng”, phá vỡ nguyên tắc quản lý XHCN, phục hồi kinh tế cá thể…, vì vậy việc khoán hộ ở Vĩnh Phúc không được ủng hộ. Bí thư Đảng uỷ tỉnh Vĩnh Phúc là ông Kim Ngọc sau đó đã “Quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, đưa phong trào hợp tác hoá xã và sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phú vững bước tiến lên” (tháng 6/1969) Sau Vĩnh Phúc, Hải Phòng là địa phương thứ 2 công khai thực hiện khoán hộ, khoán sản phẩm, bỏ khoán việc. Tháng 06/1980, huyện uỷ Đồ Sơn ra nghị quyết số 05 giao ruộng đến xã viên, ngày 27/06/1980, Thành uỷ Hải Phòng ra nghị quyết số 24, công khai chuyển 06 huyện ngoại thành sang khoán sản phẩm, bỏ khoán việc.

Ngày 21/10/1980, Ban Bí thư trung ương Đảng ra nghị quyết số 22 TB-TW cho ý kiến về công tác khoán trong hợp tác xã và đội sản xuất, ghi nhận và đánh giá những tác dụng tích cực của hình thức khoán mới, cho phép các địa phương thử nghiệm các hình thức khoán sản phẩm với cây lúa. Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn với hiệu quả tích cực ở một số địa phương và Báo cáo của một số cơ quan chuyên ngành nghiên cứu về các hình thức khoán trong nông nghiệp, Đảng ta đã dần thừa nhận hình thức Khoán, và cụ thể là thông qua việc ban hành các Nghị quyết về Khoán 100 và khoán 10. Hiện nay, đất đai đã được giao cho nhân dân sử dụng. Như vậy có thể thấy, đóng góp của bí thư Kim Ngọc là một đóng góp quan trọng, giúp cho đẩy mạnh phát triển kinh tế và khắc phục các khó khăn của đất nước trong thời kì đất nước khó khăn, mặc dù thời điểm đó, việc làm của ông chưa được công nhận, đi trái với chuẩn mực, nhưng đây là việc làm sai lệch nhưng nó lại mang ý nghĩa tích cực cho đất nước.

– Hành vi sai lệch chủ động – tiêu cực là hành vi cố ý vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật hiện hành mang tính chất tiến bộ, phù hợp, đang phổ biến, thịnh hành và được nhà nước, xã hội thừa nhận rộng rãi.[1,tr.246]

Ví dụ, năm 2011 dư luận không khỏi bàng hoảng và phẫn nộ về vụ án cướp tiệm vàng của Lê Văn Luyện. Khoảng 2h ngày 24/8/2011, Lê Văn Luyện đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích (ở phố Sàn, Bắc Giang). Trong qua trình cướp tiệm vàng, Y đã tàn nhẫn giết chết hai vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích và con gái út còn cháu Bích (con gái lớn chưa đầy 10 tuổi của vợ chồng chủ tiệm) thì bị y chém lìa tay phải, để rồi lấy sạch số vàng bày trong tủ kính bán hàng (trị giá 1,2 tỷ đồng) rồi tẩu thoát khỏi hiện trường. Chiều 31/8/2011, Y bị cảnh sát bắt giữ.[9] Tuy nhiên, Luyện bị tuyên 18 năm tù mặc dù thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, điều này là do quy định của pháp luật hình sự về người chưa thành niên bởi khi thực hiện hành vi trên Luyện chưa đủ 18 tuổi. Việc Luyện hưởng án tù 18 năm đã gây lên làn sóng phẫn nộ trên dư luận.

– Hành vi sai lệch thụ động – tích cực là hành vi vô ý vi phạm, phá vỡ sự tác động của chuẩn mực pháp luật đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu của đời sống xã hội.[1,tr.246]

Ví dụ, như những người bị mắc bệnh mù màu, khi họ tham gia giao thông khi đến đèn đỏ họ không nhận ra họ vẫn tiếp tục đi như vậy do có khuyết tật về mắt  nên đẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Hay những người bị tâm thần họ không kiểm soát hành vi của mình không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật như khi cầm dao giết người nhưng họ không biết là vi phạm. Nghiên cứu các khuyết tật về tâm – sinh lý ở những cá nhân có hành vi phạm pháp, phạm tội có tác dụng rất lớn trong việc phát hiện và làm sáng tỏ những nguyên nhân dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật. Nó giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật tùy theo từng trường hợp phạm pháp cụ thể mà đưa ra những kết luận đúng đắn về nguyên nhân, mục đích hay động cơ phạm pháp phạm tôi; từ đó mà xác định đúng người đúng tội và vận dụng các biện pháp xử lý, áp dụng khung hình phạt phù hợp. Thực hiện nguyên tắc không xử oan người vô tội, người không bị coi là tội phạm, đồng thời cũng không để lọt lưới kẻ phạm tội; đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Như vậy, mặc dù có hành vi sai lệch xảy ra, nhưng hành vi sai lệch này giúp cho cơ quan nhà nước nhìn nhận lại về việc xử phạt phải dựa vào nguyên tắc lỗi khách quan, không phải khi nào có hành vi phạm tội, thì người có hành vi đó phải chịu hình phạt.

– Hành vi sai lệch thụ động – tiêu cực là hành vi vô ý vi phạm, phá vỡ hiệu lực của các chuẩn mực pháp luật tiến bộ, phù hợp, đang phổ biến, thịnh hành và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội.[1,tr.246]

Ví dụ, Trong quá trình vận động và phát triển của xã hội, có những quan điểm, quan niệm chỉ có giá trị, ý nghĩa thực tiễn, xã hội chỉ được coi là đúng trong các xa hội trước đây; còn trong xã hội ngày nay, chúng tỏ ra không còn phù hợp, bị coi là quan niệm sai lệch cả về nội dung và tính chất. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân, nhóm xã hội nào đó làm theo các quan niệm sai lệch đó nên dẫn vi phạm chuẩn mực pháp luật hiện hành, tức là đã thực hiện một hành vi sai lệch.

Chẳng hạn như trong xã hội truyền thống có quan niệm “phép vua thua lệ làng”. Quan niệm này chỉ phù hợp nhất định trong điều kiện xã hội phong kiến trước đây, còn trong xã hội hiện nay, quan niệm này bị coi là quan niệm sai lệch cả về nội dung và tính chất. Một mặt, quan niệm này đề cao vi trí “lệ làng”  mà trong đó nhiều quy định của lệ làng không phù hợp với đạo đức hiện nay trái quy định của pháp luật hiện hành. Ví dụ như trước đây chúng ta có quy định của “lệ làng” như các cô gái chưa có chồng mà có thai thì sẽ cạo đầu bôi vôi và cho trôi sông, như thế quy định này là xâm phạm đến tính mạng danh dự của con người và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Mặt khác, quan niệm “phép vua thua lệ làng” hạ thấp uy tín, vai trò của pháp luật do nhà nước ban hành; cản trở công tác thực thi, đưa pháp luật vào đời sống xã hội nông thôn, ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức pháp luật của người dân nông thôn. Nếu cộng đồng làng xã nào đó vận dụng quan niệm “phép vua thua lệ làng” trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội hiện nay thì rất có thể điều đó sẽ đưa họ tới hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ như các tập tục của một vùng dân tục nào đó trong lĩnh vực hôn nhân như tảo hôn ép cưới hỏi …..

Ta có thể thấy những hành vi trên, lấy hành vi tảo hôn là một ví dụ cụ thể thì đây là hành vi không những vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình mà nó còn để lại những hệ lụy hết sức nghiêm trọng đối với chất lượng cuộc sống của chính những gia đình “trẻ con”, rộng hơn là của cộng đồng dân cư khu vực đó. Việc thiếu hiểu biết về pháp luật hôn nhân và gia đình chính là nguyên nhân dẫn tới hành vi vô ý vi phạm pháp luật. Do đó, vấn đề tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại miền núi, vùng sâu vùng xa là việc làm hết sức cần thiết.

Từ cơ chế này cho thấy, khi phát hiện ra có những quan niệm sai lệch về đặc điểm, nội dung, tính chất hay phạm vi áp dụng của một bộ luật hay văn bản pháp luật nào đó, hoặc những quan niệm sai lệch có thể dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật, thì các cơ quan chức năng của Nhà nước phải sớm có biện pháp định hướng, giải thích, điều chỉnh lại những quan niệm sai lệch đó để kịp thời ngăn chặn những hành vi phạm pháp, phạm tội có thể xảy ra, góp phần hình thành những hành vi cư xử hợp pháp, hợp đạo đức của công dân.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com