Kỹ năng đánh giá, sử dụng chứng cứ của trong vụ án hành chính
a. Khái niệm đánh giá chứng cứ trong vụ án hành chính
Tài liệu chứng cứ của hồ sơ vụ án được luật sư thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như: tài liệu chứng cứ do bên đương sự tự có; tài liệu chứng cứ của bên đương sự đối kháng; tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập. Tài liệu có thể là văn bản viết (biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hoặc các giấy tờ khác..), hồ sơ điện tử; hoặc lời trình bày miệng, văn bản viết của người làm chứng, đồ vật, báo cáo giám định của chuyên gia… Tài liệu đó có thể là bản sao chưa được xác thực, hay cũng không loại trừ có thể bị thay thế hoặc làm giả mạo (chữ ký trên một tài liệu là giả mạo). Điều đó cho thấy trong số các tài liệu thu thập không phải tài liệu nào cũng đều đáng tin cậy và giúp ích cho luật sư trong việc giải quyết tranh chấp của vụ án. Do vậy, sau khi tiến hành thu thập chúng, luật sư phải kiểm tra, đánh giá từng tài liệu chứng cứ. Đây là hoạt động xem xét, nhận định giá trị khách quan của nội dung chứng cứ đối với sự kiện tranh chấp trong vụ án, hoạt động tư duy của những người có quyền và nghĩa vụ đánh giá chứng cứ theo quy định của pháp luật được tiến hành một cách logic biện chứng trên cơ sở pháp luật, ý thức pháp luật nhằm đánh giá độ tin cậy của từng chứng cứ riêng biệt cũng như tổng hợp các chứng cứ trong vụ án để rút ra kết luận vụ án.
Hoạt động đánh giá chứng cứ phải được thực hiện suốt trong quá trình giải quyết của vụ án và được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể hoạt động chứng minh không chỉ của luât sư mà còn của tất cả các chủ thể tham gia tố tụng khác. Luật sư dù đứng ở vị trí, vai trò nào trong vụ án, khi đánh giá chứng cứ cũng cần bảo đảm các yêu cầu chung là phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác. Ví dụ, luật sư phải đánh giá xem tài liệu mà mình xuất trình có thể được Tòa án sử dụng với tính chất là chứng cứ trong vụ án hành chính không; mối quan hệ giữa các chứng cứ được xuất trình với các chứng cứ khác trong vụ án; chứng cứ đó trong tổng thể các chứng cứ khác có ý nghĩa như thế nào trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án; cách thức sử dụng các chứng cứ đó trong quá trình giải quyết vụ án.
Từ các phân tích trên có thể khẳng định hoạt động đánh giá chứng cứ phải dựa trên quy định của pháp luật, ý thức pháp luật đặc biệt là nguyên tắc đánh giá chứng cứ quy định trong luật tố tụng hành chính, thông qua kiểm tra đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ chính xác thì luật mới đưa ra những luận cứ đủ sức thuyết phục đối với tòa án về một sự thực khách quan đã diễn ra trong thực tế nhằm bảo vệ cho quyền lợi ích của khách hàng.
b. Phương pháp đánh giá chứng cứ
Luật tố tụng hành chính chỉ quy định cụ thể về các vấn đề không phải chứng minh của vụ án hành chính còn các vấn đề cần phải chứng minh của vụ án hành chính được xác định tùy thuộc vào tính chất, nội dung của từng vụ án cụ thể. Luật sư sẽ quyết định tính có thể chấp nhận được, tính liên quan, sự cần thiết và quan trọng của các chứng cứ bằng việc khi đánh giá chúng luật sư phải xuất phát từ các tiêu chí sau: chứng cứ đó có liên quan; chứng cứ đó đáng tin cậy; đó có phải là vật chứng. Qua đánh giá chứng cứ, luật sư mới có thể đưa ra ý kiến của mình yêu cầu tòa án loại bỏ các chứng cứ, hoặc việc xuất trình bất cứ một giấy tờ, một bản kê khai, một khẩu cung hay biện pháp điều tra nào vì một trong các nguyên nhân như nêu trên (thiếu sự liên quan hay sự cần thiết; chứng cứ được thu thập không hợp pháp).
Khi đánh giá chứng cứ, luật sư phải bắt đầu từ việc kiểm tra tài liệu chứng cứ do mình thu thập trước, sau đó so sánh đối chiếu với tài liệu chứng cứ của bên đương sự đối phương để tìm ra có sự xung đột giữa các tài liệu chứng cứ. Đây là điều rất cần thiết để luật sư có thể đưa ra quan điểm phản đối hoặc nghi ngờ về tính xác thực tài liệu chứng cứ của bên đương sự đối phương, là cơ sở để luật sư có thể xuất trình tài liệu bổ sung hoặc yêu cầu tòa án tiếp tục thu thập chứng cứ.
Khi đánh giá chứng cứ, phải thực hiện đánh giá từng chứng cứ: phải đánh giá tất cả các mặt của từng chứng cứ, xác định ý nghĩa hiệu lực của từng chứng cứ trong tổng thể toàn bộ chứng cứ nói chung và nhận định về giá trị chứng minh của từng chứng cứ trong mối liên hệ với chứng cứ khác. Ví dụ: Để đánh giá tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, cần đánh giá các chứng cứ từ những nguồn do người khởi kiện, người bị kiện, cung cấp, do Tòa án xác lập…. Cần đánh giá từng chứng cứ đó để khẳng định giá trị chứng minh đối với từng vấn đề về thẩm quyền, trình tự thủ tục, thời hiệu, tình tiết khách quan… để xác định quyết định đó đúng, sai ở những điểm nào và tổng hợp để nhận định chung là quyết định hành chính đó hợp pháp hay không hợp pháp, có căn cứ để hủy hay giữ quyết định bị kiện không.
Khi đánh giá chứng cứ, Luật sư phải đặt chứng cứ trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể, tìm mối liên hệ giữa các chứng cứ, sự kiện khác nhau và đối chiếu với pháp luật, tập quán, thỏa thuận giữa các đương sự từ đó khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ.
Trên cơ sở đánh giá từng chứng cứ, luật sư phải đánh giá tổng hợp các chứng cứ trong mối liên quan chặt chẽ với nhau nhằm xác định giá trị chứng minh của chúng và rút ra sự thật khách quan của vụ án trên cơ sở quy định của pháp luật. Một phiên bản sự kiện do luật sư đưa ra trước tòa phải được chứng minh từ hoạt động đánh giá chứng cứ của luật sư. Các chứng cứ đoc có thể là thông tin, tài liệu, đồ vật… nhưng chúng phải khách quan – tức là phải có thật, phản ánh trung thực tình tiết của vụ án hành chính đã xảy ra, có liên quan – là cơ sở xác định sự tồn tại hay không tồn tại vấn đề nào đó của đối tượng chứng minh trong vụ án. Các chứng cứ đó phải được rút ra từ nguồn chứng cứ được thu thập theo thủ tục tố tụng hành chính. Khi đánh giá chứng cứ, luật sư cần đặt câu hỏi: trong các tài liệu của hồ sơ những gì được coi là chứng cứ; các chứng cứ đã đầy đủ chưa; thiếu chứng cứ nào, chứng cứ đó ở đâu, cần phải thu thập như thế nào…
Trong quá trình đánh giá chứng cứ, luật sư cần chú ý không nhầm lẫn giữa chứng cứ, nguồn chứng cứ ( nơi bắt đầu, nơi phát sinh hoặc nơi có thể cung cấp hay rút ra chứnng cứ ) và các biện pháp thu thập chứng cứ (cách thức để có được tài liệu, chứng cứ); cần phân biệt chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp; giả định, suy luận;chứng cứ tài liệu; chứng cứ nhân chứng; chứng cứ chuyên gia (giám định viên). Luật sư cũng cần lưu ý không phải tài liệu nào cũng phản ánh đúng thực tế khách quan, không phải tài liệu nào cũng đã là chứng cứ, nếu phát hiện những tài liệu không liên quan, không có giá trị chứng minh cần phải loại bỏ. Qua đánh giá chứng cứ, luật sư sẽ phát hiện chứng cứ cần thu thập tiếp cũng như tài liệu chứng cứ nào được sử dụng.
Như vậy để đánh giá chứng cứ, luật sư không được chủ quan, phiến diện và luôn phải nghiên cứu các quy định của pháp luật nội dung để xác định đầy đủ chính xác các vấn đề cần chứng minh của vụ án, phải phân tích đầy đủ các dấu hiệu về tính hợp pháp về nội dung hay hình thức của đối tượng khởi kiện, từ đó đưa ra những chứng cứ có chất lượng đủ sức thuyết phục Tòa án cũng như bác bỏ luận cứ của luật sư đối phương.
a. Khái niệm sử dụng chứng cứ
Sử dụng chứng cứ là việc các chủ thể chứng minh (trong đó có luật sư) lựa chọn những chứng cứ được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật một cách khoa học, hợp lý để đưa ra quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án tại Tòa án.
Thông thường, với vị trí khác nhau trong vụ án hành chính, luật sư có thể sử dụng những chứng cứ khác nhau để phản bác một phần hay toàn bộ quan điểm của đối phương trong vụ án hoặc luật sư sử dụng chứng cứ để đề nghị Tòa án áp dụng một điều luật, một biện pháp tố tụng có lợi cho khách hàng. Thực tế đã có người ví sử dụng chứng cứ của luật sư như là một nghệ thuật, bởi việc luật sư đưa ra chứng cứ đúng thời điểm, sử dụng để phân tích chứng minh một cách logic chặt chẽ, trình bày có tính thuyết phục là điều kiện quan trọng bảo đảm hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích cho khách hàng trong quá trình giải quyết vụ án.
Ví dụ: Trong vụ kiện,ông A yêu cầu hủy quyết định hành chính thu hồi đất số 975/QĐ-UB ngày 15/4/2011của UBND huyện P về việc thu hồi 650m2 đất nông nghiệp của ông theo Khoản 1 Điều 38 Luật đất đai 2003. Để chứng minh yêu cầu trên là có căn cứ, cần chứng minh tính bất hợp pháp về nội dung của Quyết định đó bằng việc sử dụng các chứng cứ. Cụ thể, Luật sư phải giúp ông A chứng minh tính trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ về nội dung của quyết định thì mới có hy vọng Tòa án hủy bỏ quyết định thu hồi đất số 975/QĐ-UB ngày 15/4/2011 của UBND huyện P. Để chứng minh tính trái pháp luật về nội dung của quyết định trên, có thể đưa ra căn cứ chứng minh diện tích đất bị thu hồi nằm ngoài quy hoạch. Khi đưa ra căn cứ này, có thể sử dụng một, một số trong số các tài liệu có trong hồ sơ được dùng làm căn cứ để ban hành quyết định này gồm:quyết định phê duyệt quy hoạch và quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh B cơ quan quản lý đất đai cấp trên của UBND huyện P, bản đồ quy hoạch chi tiết; bản đồ địa chính về khu đất bị thu hồi; biên bản cắm mốc và giao đất trên thực địa… Trên cơ sở đánh giá từng tài liệu, chứng cứ đó, Luật sư và ông A đưa ra các lập luận, tình tiết sự kiện hoặc viện dẫn các quy định của pháp luật để bảo vệ cho căn cứ của mình.
b. Nguyên tắc sử dụng chứng cứ
Khi sử dụng chứng cứ, luật sư cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chỉ được sử dụng những chứng cứ đã được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo quy định của pháp luật. Do vậy khi xuất trình tài liệu, chứng cứ, luật sư cần chú ý chỉ xuất trình những tài liệu, chứng cứ mà mình có ý định sử dụng và chỉ sử dụng những tài liệu xác đáng, có ý nghĩa quyết định đối với việc giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên thống nhất được quan điểm về các tình tiết không tranh cãi thì không cần phải xuất trình tài liệu chứng minh.
- Việc sử dụng chứng cứ phải khách quan, thận trọng và phải xuất phát từ quy phạm đạo đức nghề nghiệp của luật sư nhằm làm sáng tỏ các vấn đề chứng minh vụ án và bảo vệ lợi ích khách hàng.
c. Phương pháp sử dụng chứng cứ
– Cung cấp chứng cứ cho Tòa án vào thời điểm thích hợp. Cần đánh giá các chứng cứ nên hay không nên cung cấp, thời điểm thích hợp để cung cấp cho Tòa án tuy nhiên cần chú ý quy định về nghĩa vụ giao nộp chứng cứ tại Khoản 1 Điều 77 LTTHC.
– Công khai các chứng cứ thông qua thủ tục hỏi tại phiên tòa.
– Sử dụng trong các luận cứ bảo vệ cho khách hàng.
Bằng việc nêu trên, phân tích, đánh giá các chứng cứ,đối chiếu với các quy định pháp luật,luật sư khai thác các chứng cứ có lợi cho khách hàng phù hợp với những vấn đề cần chứng minh.
VD: Để chứng minh tính hợp pháp/bất hợp pháp về thẩm quyền ban hành QĐHC là ĐTKK, luật sư phải chỉ ra được những thông tin đó trong quyết định HC (cho thấy ai là người trực tiếp ban hành), viện dẫn quy định của pháp luật về thẩm quyền ban hành và khẳng định thẩm quyền là đúng/sai.
Để phản bác yêu cầu của đối phương, cần chú ý khai thác những chứng cứ bất lợi của họ.
Luật sư có thể sử dụng ngay những chứng cứ bên đối phương xuất trình nếu thấy có lợi cho khách hàng. VD: Bên bị kiện xuất trình tài liệu để chứng minh cho việc ban hành QĐHC là đúng thẩm quyền, nhưng khi xem xét luật sư bên khởi kiện phát hiện thấy tài liệu đó có sai sót, vấn đề sai thẩm quyền vẫn không khắc phục được. Luật sư bên khởi kiện sử dụng luôn thông tin đó để củng cố cho lập luận của mình về vấn đề sai thẩm quyền.