Gần nhà tôi có một điểm tập kết rác tự phát, đã hình thành 2 năm đổ lại đây, gây mùi hôi thối và ảnh hưởng đến dân cư xung quanh, xin được các anh chị luật sư tư vấn hướng dẫn là họ lập bãi rác gần khu dân cư như vậy là có đúng quy định không và chúng tôi phải làm gì.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
– Luật môi trường năm 2014.
– Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
Luật sư tư vấn:
Việc lập bãi rác gần khu dân cư theo như thông tin bạn chia sẻ là một việc làm không được pháp luật cho phép.
Hiện nay, tình trạng những bãi rác tự phát gần khu dân cư xuất hiện ngày càng nhiều, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh hoạt cũng như cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Để hạn chế tình trạng này, chính phủ đã ban hành một số Nghị định quy định khá chi tiết để xử phạt với mục đích răn đe các cá nhân có hành vi này:
Mà cụ thể là tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/NĐ-CP có quy định như sau:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;
b) Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng;
c) Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường;
d) Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này;”
Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định:
Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường
1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Như vậy, đối với các hành vi đối với hành vi đổ rác thác tại khu dân cư có thể bị xử phạt 2.000.000 đồng, nếu có hành vửt rác thải sinh hoạt trên vỉa hà, đường phố thì có thể bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Việc bạn nên làm là báo lên công an nơi bạn đang cư trú (xã/phường/thị trấn) để xử lý và lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Bạn cũng nên chụp ảnh, lắp cam để ghi nhận các hình ảnh làm bằng chứng và xác minh các cá nhân vi phạm để tiến hành xử phạt.