Làm thế nào để con trai không được hưởng thừa kế?

Em chào anh chị. Mong anh chị tư vấn giúp em.

Chẳng là gia đình nhà bá em có 2 người con 1 trai 1 gái. Cả hai đều có gia đình riêng. Nhưng đã từ lâu anh con trai cô ấy uống rượu vào là chửi bới cả họ cô ấy kể cả những người đã khuất một cách rất láo. Còn chị con dâu thỉnh thoảng cũng hay nói xỉa chửi bới mẹ chồng và gia đình bên chồng. Phần đất và nhà bây giờ là từ thời các cụ để lại đứng tên chồng cô ấy (đã mất). Bá em lo sợ nếu bá có chuyện thì khi chia thừa kế anh con trai sẽ bán mảnh đất và nhà. Có cách nào để anh con trai ko được hưởng thừa kế ko ạ. Em xin cám ơn ạ

*Căn cứ pháp lý

– Bộ luật Dân sự năm 2015.

*Nội dung tư vấn

Về trường hợp của bạn, tôi xin tư vấn như sau:

Vì theo như thông tin ở trên thì bạn không nói rõ là người chồng của bá của bạn khi mất có để lại di chúc hay không nên tôi sẽ chia làm hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Có để lại di chúc

Trong trường hợp nếu có để lại di chúc (bản di chúc đó hợp pháp) mà trong di chúc người để lại di sản có để lại di sản cho con trai thì người này vẫn được chia thừa kế bình thường. Do đó là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản.

Trường hợp 2: Không để lại di chúc

Trong trường hợp không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp hợp pháp thì phần di sản của người để lại di sản sẽ được chia theo pháp luật.

Căn cứ theo Điều 651 BLDS năm 2015 quy định như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo quy định trên thì việc chia di sản sẽ được ưu tiên theo hàng thừa kế lần lượt theo hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Và trong trường hợp của bạn thì người con trai của bá bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Vì vậy, người con trai vẫn được chia di sản bình thường.

Chỉ trừ các trường hợp sau đây thì người con trai của bá bạn mới không được hưởng di sản thừa kế.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 621 BLDS năm 2015

“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”.

Do đó, chỉ khi bạn có thể chứng minh được các hành vi trên thì người con trai của bá bạn mới không được chia di sản thừa kế. Trừ trường hợp người để lại di sản biết hành vi của người để lại di sản nhưng vẫn cho người con trai được hưởng di sản thì người con trai của bá bạn vẫn được hưởng di sản  bình thường.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com